Bà Đỗ hòa giải ở phường Lam Sơn

20:33 19/02/2009

Nhắc đến bà Hán Thị Đỗ, 68 tuổi, ở số 11A, tổ 8, khu 20, phường LamSơn, quận Lê Chân, bất cứ ai là người địa phương cũng đều biết tới. Bởibà không chỉ là một hòa giải viên cơ sở giỏi mà còn là chủ nhiệm CLBthân nhân của những người có HIV/AIDS của phường Lam Sơn luôn góp sứcmình cho sự êm ấm của mỗi gia đình và bình yên cho xóm phố…

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 8 năm làm chủ tịch Hội phụ nữ phường Lam Sơn, bà Hán Thị Đỗ đã xử lý thành công hàng trăm vụ mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống đời thường, giúp bao đôi vợ chồng thoát khỏi cảnh ly tán.

Điển hình, trường hợp của anh Luân và chị Mến (đã đổi tên - PV). Bố mẹ Luân là những người làm ăn khá giả, có cả một nhà hàng. Họ không đồng ý cho Luân yêu Mến do bố Mến chết vì HIV. Luân vì quá yêu Mến nên đã bỏ nhà ra sống cùng Mến. Không có chỗ ở, họ lang thang ở các gầm cầu. Gần một năm sau, Mến có thai. Nhìn người yêu trẻ bụng mang dạ chửa, lại không có nhà để ở, Luân thương Mến vô cùng. Trong cơn quẫn bách, Luân đã thề định có hành động liều lĩnh.

Biết chuyện, bà Đỗ đã đến kiên trì thuyết phục bố mẹ Luân để họ chấp nhận tình yêu chân chính của Luân và Mến và khẳng định Mến không có HIV… Dần dà, bố mẹ Luân đã nhận ra sai lầm của mình và hai ông bà đã đến đón mẹ con Mến về nhà. Trong ngày đoàn tụ của họ có nước mắt của sự ân hận, xót xa, nụ cười của niềm hạnh phúc.

Là một đảng viên có 42 năm tuổi Đảng, bà Đỗ luôn đi tiên phong trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước đến với người dân ở khu dân cư. Không quản đêm hôm, mưa gió, thậm chí cả lúc giao thừa, gia đình nào có xích mích là bà có mặt để giải quyết.

Bà Đỗ chia sẻ: "Trong cuộc sống đời thường, tại các khu dân cư, nội bộ nhân dân thường xảy ra những va chạm, xích mích, mâu thuẫn... Đây là những mầm mống gây mất ổn định TTATXH, làm xói mòn tình cảm tương thân tương ái và mối đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Tôi làm hoà giải viên xuất phát từ tình thương, trách nhiệm của một cán bộ Hội phụ nữ phường muốn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh éo le".

Để hoà giải thành công các vụ mâu thuẫn, bà Đỗ đã rất kiên trì, khéo léo để thuyết phục, động viên các bên làm theo đúng pháp luật. Bà cũng không ngần ngại tiếp xúc với những người bị nhiễm căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS. Bà bảo, để làm được điều này cần phải có cái tâm và một tấm lòng yêu thương con người, không nên xa lánh những con người bất hạnh. Cộng đồng hãy nhìn họ như một người mắc bệnh bình thường, bởi mỗi con người đều có một số phận khác nhau.

Được biết, bà Đỗ sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 1958, lúc vừa tròn 18 tuổi, bà chuyển về Hải Phòng học lớp quân giới, thuộc bộ Quốc phòng trong 6 tháng và làm Bí thư của đơn vị quân giới 9325.

Năm 1959, bà gặp và quen ông Nguyễn Văn Ngọc, lái xe cho đơn vị. Một năm sau, ông bà lập gia đình. Năm 1968, bà về làm việc tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hải Phòng, kiêm chức vụ Bí thư chi bộ khu dân cư số 8. Năm 1988, bà về nghỉ hưu và giữ chức Chủ tịch Hội phụ nữ phường Lam Sơn đến năm 2006.

Với những gì đã làm được, bà Đỗ đã được các cơ quan, ban, ngành trao tặng các phần thưởng cao quí như: Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc Huy chương của Bộ Tư Pháp, Huy chương của Uỷ ban DSKHHGD. Người dân ở đây gọi bà bằng cái tên trìu mến- Bà Đỗ "hoà giải" ở phường Lam Sơn.

MINH SƠN - ĐĂNG HÙNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông