Sáng 23-7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã có cuộc họp nhằm ứng phó với bão Vicente. Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng, sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390 km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất đạt cấp 9-10.
| Đường đi của bão Vicente |
Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, tốc độ 10-15 km mỗi giờ và có khả năng mạnh thêm.
Sáng 24-7, tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) chừng 150 km về phía đông với sức gió mạnh nhất đạt cấp 10, có thể lên tới đầu cấp 11. Trưa cùng ngày, bão vượt báo đảo Lôi Châu, tiến về bờ biển các tỉnh đông bắc. Đến chiều tối 24-7, bão tiếp cận vùng biển tỉnh Quảng Ninh, tâm bão sát với Móng Cái.
Theo ông Tăng, bão sẽ đổ bộ vào sáng 25-7, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng thấp. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp là Quảng Ninh, Hải Phòng. Các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa trở ra là vùng hoàn lưu bão.
Ngày 22-7, UBND TP có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai ngay một số nội dung cấp bách. Theo đó:
1. Bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm biết về diễn biến, vị trí của bão để chủ động phòng tránh: nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, chủ động tìm nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền; tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh, di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.
Kiểm tra và có phương án bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, cơ sở đóng tàu.
2. Chủ động phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ xung yếu, khu du lịch biển.
3. Triển khai các biện pháp bảo vệ các vị trí đê điều xung yếu, cửa khẩu qua đê, hồ đập, các công trình đang thi công dở dang; rà soát, có biện pháp gia cố, chằng chống bảo vệ các công trình công cộng, nhà ở, trường học, hệ thống điện, đường giao thông, cây xanh…
4. Triển khai phương án phòng chống ngập úng, bảo vệ lúa và hoa màu.
5. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố.
PV |