08:07 07/03/2024 Với khoảng 500 lễ hội quy mô khác nhau, trong đó đó có 10 lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các lễ hội trên địa bàn thành phố được tổ chức bảo đảm đúng qui định, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, tinh thần cao đẹp của Nhân dân ta.
Mùa lễ hội cũng là lúc những người làm công tác quản lý phải cùng bắt tay vào cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm thuần phong mĩ tục, để mỗi lễ hội là điểm đến an lành, may mắn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi du khách. Để công tác lễ hội gây ấn tượng đẹp trong lòng du khách, thực hiện Nghị định 110 của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các văn bản chỉ đạo của thành phố, các lễ hội ở Hải Phòng được tổ chức nghiêm túc, an toàn, văn minh, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống miền cửa biển, để mỗi lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng đầy hấp dẫn cho nhân dân và du khách; những phong tục tập quán tốt đẹp trong lễ hội tiếp tục được thực hành, lan tỏa giá trị trong đời sống
Mỗi lễ hội truyền thống ở mỗi nơi đều mang một sắc thái văn hóa khác nhau, thể hiện quan niệm văn hóa, cách suy nghĩ, phong tục, tập quán mang tính đặc trưng của con người, vùng đất. Mặc dù độc đáo vậy, nhưng giá trị cốt lỗi của sự khác biệt đó vẫn hướng tới điều tốt đẹp, nhân văn. Những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, lao động của người dân, theo thời gian, đã trở thành mỹ tục đẹp, và là một phần không thể thiếu tại các lễ hội truyền thống của cư dân miền biển.
Bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố cho biết, Hải Phòng là miền đất nơi cửa biển có bề dày lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa được hun đúc thành các phong tục, tập quán, lễ hội và truyền thống tốt đẹp. Theo thống kê, thành phố có gần 500 lễ hội, trong đó phần lớn là lễ hội truyền thống và thường được tổ chức vào mùa Xuân. Đáng chú ý, có 9 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân); lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn); lễ hội Xa Mã - rước kiệu đình Hoàng Châu (huyện Cát Hải); lễ hội Vật làng Vĩnh Khê, lễ hội Bơi chải đền - chùa Ngọ Dương (huyện An Dương); lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); lễ hội Từ Lương Xâm (quận Hải An); lễ hội Minh Thề (huyện Kiến Thụy); lễ hội Ngũ Linh Từ (huyện Tiên Lãng). Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, lễ hội truyền thống tại Hải Phòng được tổ chức ở khắp các địa phương, từ nội thành đến ngoại thành và hải đảo.
Đến nay, thành phố bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của các lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội đầu xuân. Ngay từ những ngày đầu xuân mới này, các lễ khai bút tại các huyện, quận: Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Đồ Sơn… được tổ chức nhằm tri ân các danh nhân có công cao, đức lớn trong việc đào tạo nhân tài, giáo dục truyền thống hiếu học trong thế hệ trẻ. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, các lễ hội còn là những “bài học lịch sử” sống động, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của dân tộc, thành phố thế hệ hôm nay. Điển hình như các lễ hội mang tính lịch sử, tưởng nhớ đến những anh hùng, danh nhân có công lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, như: Lễ hội Từ Lương Xâm (quận Hải An) tưởng nhớ Đức Vương Ngô Quyền; lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), lễ hội đền Trần Quốc Bảo (huyện Thủy Nguyên), lễ hội đền Gắm (huyện Tiên Lãng)...; các lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống và tâm linh, như: Lễ hội Ngũ Linh Từ (huyện Tiên Lãng); lễ hội Minh Thề (huyện Kiến Thụy); lễ hội đảo Dáu (quận Đồ Sơn); lễ hội Phủ Thượng Đoạn và lễ hội đền Phú Xá (quận Hải An), hội hát Đúm (huyện Thủy Nguyên)…; cho đến các lễ hội mang tính chất nghề nghiệp như: Lễ hội Cầu Ngư, lễ hội xuống nước, bơi chèo, đua thuyền rồng… (tại quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy), lễ hội Làng Cá (huyện Cát Hải)…
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố, Sở đã tích cực, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành các địa phương trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2024. Sở cũng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, triển khai các đợt kiểm tra công tác quản lý di tích, quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra từ 19 đến 32 lễ hội, tập trung giám sát, xử lý kịp thời, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực len lỏi trong lễ hội, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thu hút sự đông đảo Nhân dân trong và ngoài thành phố tham dự lễ hội.
Đối với các địa phương có lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, chương trình, thành lập Ban tổ chức và phân công trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội bảo đảm đúng các quy định của pháp luật...
Đến nay, phần lớn các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn. Các nghi thức tế lễ diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ban tổ chức lễ hội điều hành các hoạt động bài bản, đúng trình tự quy định, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ được bảo đảm. Một số trò chơi, trò diễn dân gian có giá trị trong các lễ hội truyền thống được khôi phục như: thi đấu tổ tôm điếm, cờ tướng, cờ người, chọi gà, pháo đất, kéo co, vật, cây đu, đi cầu tùm…
Các lễ hội truyền thống được tổ chức trên địa bàn thành phố Hải Phòng luôn là những hoạt động có ý nghĩa bồi đắp giá trị văn hóa, lịch sử đối với người dân thành phố, đồng thời, góp phần khẳng định hình ảnh một thành phố vừa có bề dày truyền thống lịch sử, vừa năng động, thích ứng linh hoạt trong điều kiện hội nhập toàn cầu hiện nay. Giữ gìn nét văn hóa trong lễ hội cũng là cách để mỗi người dân trải nghiệm đời sống nội tâm sâu lắng hơn. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh nội sinh để thành phố cùng cả nước, vững vàng bước vào những giai đoạn phát triển mới với những kỳ vọng lớn lao hơn.
VŨ DUYÊN
14:29 23/11/2024
13:22 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão