Bắt truy nã - không phải cuộc chơi trốn tìm

21:12 04/09/2010

5 năm qua, lực lượng bắt truy nã CATP Hải Phòng đã bắt và vận động ra đầu thú 1.873 đối tượng truy nã, trốn thi hành án. Trong đó, có tới 90% đối tượng mang các tội danh giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích... Tuy nhiên, những cán bộ làm công tác bắt truy nã đã phải đối mặtvới khó khăn, nguy hiểm.

Lãnh đạo và trinh sát PC 52 bàn phương án bắt giữ đối tượng truy nã
Lãnh đạo và trinh sát PC 52 bàn phương án bắt giữ đối tượng truy nã

Trước yêu cầu đặt ra, đơn vị nghiệp vụ độc lập, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an thành phố vừa được thành lập đã lao ngay vào công việc. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn xác định: đây không phải là cuộc chơi "trốn tìm" mà là cuộc chiến đấu quyết liệt, nhiều khi phải trả bằng máu. Đơn cử, công tác thẩm tra, xác minh các thông tin liên quan đến từng đối tượng chẳng khác "tìm kim đáy bể" vì đối tượng truy nã luôn gian manh, xảo trá, "thay hình đổi dạng", né tránh sự truy lùng của các cơ quan pháp luật. Bởi vậy, tìm được thông tin đối tượng đã khó, tổ chức truy bắt chúng còn khó khăn hơn nhiều.

Ngay chính bản thân gia đình, người thân các đối tượng cũng có tâm lý không muốn con em họ phải vào vòng lao lý, nên không cộng tác tích cực với lực lượng truy bắt, thậm chí còn tìm địa chỉ, cung cấp tiền bạc cho các đối tượng có điều kiện trốn tránh pháp luật. Cũng có địa phương do lơ là trong quản lý hành chính, vô tình tạo cho các đối tượng thay tên đổi họ, "sinh cơ lập nghiệp" trên địa bàn... làm việc truy tìm chúng khó khăn gấp bội phần.

Theo thượng tá Nguyễn Trường Tam, Phó trưởng phòng tâm sự: Nhiệm vụ của CBCS truy bắt đối tượng truy nã không khác gì phá một vụ án mới. Chỉ nói riêng việc lập hồ sơ xác minh cũng đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức, thời gian, trong khi nguồn thông tin không dễ gì được cung cấp một cách đầy đủ. Nhớ lại năm 2007, đội công tác bắt truy nã CATP đã phải đầu tư suốt 25 năm kiên trì theo dõi và triển khai các biện pháp nghiệp vụ mới vây bắt được tên Nguyễn Văn Phụng - kẻ từng cùng đồng bọn phạm tội giết người rồi bỏ trốn biệt tích. Bài học đó không chỉ là những kinh nghiệm mà còn là kết tinh của sự mưu trí, quả cảm sau bao nhiêu năm trên trận tuyến phòng chống tội phạm hình sự.

Với tinh thần kiên quyết tấn công, truy bắt tội phạm, ngay trong những ngày đầu ra quân, đơn vị đã lập công xuất sắc, bắt và vận động đầu thú 19 đối tượng có lệnh truy nã. Thượng uý Phạm Ngọc Huy, trinh sát đội 4, nhớ mãi kỷ niệm về bữa cơm cùng gia đình đối tượng Đoàn Sỹ Cường, sinh 1984, ở Vĩnh Bảo, phạm tội cướp tài sản, khi vận động Cường đầu thú. Năm 2005, sau khi phạm tội Cường bỏ trốn vào miền Nam, nhiều lần cơ quan điều tra tổ chức vây bắt nhưng Cường vẫn ma mãnh trốn thoát. Qua  hồ sơ và các thông tin, thượng uý Huy đã tiếp xúc được với gia đình Cường để vận động gia đình liên lạc và thuyết phục Cường ra đầu thú. Sau khi hiểu rõ được chính sách khoan hồng của nhà nước, gia đình Cường đã liên lạc và vận động Cường ra đầu thú. Ngày 26-7, trinh sát đã đến gia đình cùng ăn cơm trưa và đưa Cường về cơ quan điều tra đầu thú.

Không phải trường hợp nào cũng có thể vận động đầu thú bởi nhiều đối tượng phạm tội nguy hiểm, manh động cũng như sẵn sàng chống lại cơ quan chức năng. Đối với loại đối tượng này, các trinh sát luôn áp dụng biện pháp mạnh, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo an toàn cho cả đối tượng và lực lượng công an. Trinh sát Phạm Văn Công, đội 2 kể lại cuộc truy bắt tên Trần Trí Mạnh, sinh 1991, ở 31 Vạn Kiếp, Thượng Lý, Hồng Bàng, bị truy nã về tội cố ý gây thương tích theo quyết định truy nã của CATP Hải Dương năm 2009. Tên Mạnh cùng một số đồng bọn đi ôtô lên TP Hải Dương, dùng súng tự chế bắn nhau với một số đối tượng tại đây rồi bỏ trốn.

Xác định đây là đối tượng nghiện ma tuy, rất manh động, bỏ nhà lang thang tụ tập trộm cướp tài sản. Sau nhiều lần mật phục, nắm chắc quy luật đi lại của đối tượng. Ngày 4-8, nhận được thông tin từ quần chúng cho biết nhóm đối tượng trong đó có Mạnh đang tụ tập tại bãi đất trống gần chân cầu Xi măng, các trinh sát lập tức khép chặt vòng vây, tiếp cận đối tượng. Thấy động, tên Mạnh lập tức bỏ chạy, lợi dụng các ngõ ngách để tẩu thoát. Nhưng các trinh sát đã phán đoán chuẩn xác, tiếp cận và khống chế đối tượng khi trên tay hắn vẫn cầm hung khí với ý định chống trả…

Trong cuộc truy bắt những đối tượng truy nã, không ít lần các trinh sát phải đấu trí với bọn tội phạm để đảm bảo an toàn cũng như giữ gìn an ninh trật tự. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Nam, trinh sát đội 2, kể lại kế hoạch bắt đối tượng Vũ Thị Huệ tại An Lão với tội danh gây rối trật tự nơi công cộng. Qua điều tra, các trinh sát phát hiện Huệ vẫn ở cùng gia đình nhưng cố thủ trong nhà và rất ít khi ra ngoài. Nếu như công khai vào bắt sẽ rất khó khăn bởi người thân trong gia đình Huệ sẽ ngăn cản, gây rối làm mất trật tự tại địa phương. Bản thân Huệ là đối tượng rất manh động, không từ một thủ đoạn nào để chống cự. Để bắt được đối tượng này, các trinh sát đội 2 đã lên sơ đồ, xây dựng nhiều phương án trình lãnh đạo phòng. Sau nhiều ngày “cắm” trinh sát theo dõi, nắm vững quy luật hoạt động của đối tượng, với yếu tố bí mật, bất ngờ và táo bạo của các trinh sát đội 2, thị Huệ đã bị bắt theo lệnh truy nã một cách an toàn.

Tuy còn bộn bề công việc, từ ổn định cơ sở vật chất, nhân sự, tiếp nhận hồ sơ, xây dựng kế hoạch tấn công tội phạm… Nhưng vượt qua tất cả khó khăn, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vẫn quyết tâm lập công để khẳng định mình trên cương vị công tác mới cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thượng tá Nguyễn Trường Tam, Phó trưởng phòng cho biết: Sau khi ổn định cơ sở làm việc, tiếp nhận cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị được điều động về, đã triển khai truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã trên địa bàn TP và các tỉnh. Thực hiện chỉ thị của Giám đốc CATP, đơn vị đang tập trung sàng lọc các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, trốn lâu năm để tiến hành xác minh, xây dựng phương án đấu tranh.

Nhiều khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác mới như: để bắt một đối tượng lẩn trốn tại phía Nam, cần phải huy động lực lượng, tập trung sức lực tối đa, nhất để đạt được mục tiêu truy bắt tội phạm; CBCS luôn hướng tới tinh thần làm việc hết mình, góp phần giảm bớt những khó khăn phức tạp về ANTT. Chính vì vậy, những trinh sát bắt truy nã luôn phải làm chủ tình huống, khống chế được sự nguy hiểm để không phải chơi trò “trốn tìm” với tội phạm. Trong thời gian tới, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh tố giác tội phạm, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú làm trọng tâm bởi đây là phương pháp hiệu quả, biết dựa vào nhân dân để tạo nên thế trận lòng dân, giữ gìn sự bình yên của thành phố.


VIỆT TUẤN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông