Cần cú hích cho thị trường thực phẩm an toàn

14:52 23/12/2022

Thời gian gần đây, trước những nỗi lo về thực phẩm “bẩn” đang đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhiều mô hình sản xuất, bảo quản và kinh doanh thực phẩm an toàn đã xuất hiện. Tuy nhiên nếu không có giải pháp hiệu quả để tạo ra một môi trường cạnh tranh hoàn hảo, thì rất khó để các mô hình thực phẩm sạch thành công.
Hầu hết thực phẩm bán trong các siêu thị đều không có nguồn gốc Hải Phòng.

          Nhận diện thực phẩm “bẩn”

          Nếu tính cộng cả số lượng tạm trú đến từ các doanh nghiệp, khách du lịch và người vãng lai gồm cả ngoại quốc và ngoại tỉnh, thì lượng người tham gia sinh hoạt liên quan đến thực phẩm của Hải Phòng không chỉ dừng ở con số 2 triệu người.

          Cùng với cả nước, những năm qua thị trường thực phẩm Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đa dạng với đủ dạng hình sản phẩm từ tươi sống, sơ chế đến chế biến công nghệ, dịch vụ ăn uống sẵn… Hơn thế, ngoài ẩm thực truyền thống, thị trường cũng xuất hiện rất các món ăn, đồ uống du nhập khác.

          Việc đa dạng hóa của thị trường thực phẩm là sự vận động tất yếu của quy luật cung cầu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng cũng chính vì nhu cầu lớn, kiến thức tiêu dùng hạn chế, hệ thống quản lý còn bất cập, đang tạo điều kiện cho thực phẩm “bẩn” hoành hành.

          Những thông tin thời gian qua cho thấy, nguy cơ mất an toàn đang tồn tại ở tất cả các kênh thực phẩm trên cả nước. Trong đó nguồn  gia súc gia cầm được nuôi công nghiệp bằng thức ăn có hại cho sức khỏe là một ví dụ điển hình.

          Mặt khác, việc lưu cữu thực phẩm chưa kịp tiêu thụ trong môi trường bảo quản không đảm bảo, cộng với nguồn thịt nhập khẩu kém chất lượng đang cung cấp ra thị trường một số lượng không nhỏ thực phẩm bị coi là “bẩn”.

Đi về các vùng ngoại ô, không khó để bắt gặp người dân dùng các phương tiện như bình phun hoặc ống phun dạng bơm tay, công khai xả hóa chất vào diện tích đang canh tác rau mầu.

Một nguồn thông tin từ kết quả điều tra thực trạng sản xuất tại các vùng chuyên canh rau cho thấy: hơn 85% các nông dân sử dụng phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng; hơn 70% đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun; hơn 60% các hộ nông dân sử dụng đạm urê để bón cho rau khiến tồn dư hàm lượng NO3 trên rau rất lớn…

Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm có độc tính cao, đã được cấm nhưng vì giá rẻ, dễ mua, nông dân vẫn cứ sử dụng. Trong đó nhiều loại thuốc ngoài luồng ghi tiếng nước ngoài, vì không biết ngoại ngữ hoặc không được hướng dẫn nên bà con vô tư xử lý theo cảm tính của mình.

          Nguồn chế biến cũng không ngoại lệ. theo chia sẻ của một ngư dân, cá khô một nắng là đặc sản được ưa chuộng, tuy nhiên theo cách sơ chế truyền thống, cá phơi một nắng thì không thể để lâu trong môi trường tự nhiên, nên khi bán bà con luôn dặn kỹ khách hàng phải để trong ngăn đá tủ lạnh dùng dần.

          Nhưng thực tế dạo quanh các chợ trên thành phố, loại cá “một nắng” vẫn được bày bán thoải mái ngày này qua ngày khác, màu vẫn tươi và vị vẫn… thơm, do bí quyết nào hay đơn giản chỉ là hóa chất?

          Hoặc đơn cử như các loại thực phẩm truyền thống phổ biến là bún, bánh phở, bánh đa nhúng… trên bất cứ quầy hàng nào cũng có thể mua được loại vừa dai vừa giòn, có thể để được nhiều ngày mà không có mùi chua hay nấm mốc. Chưa kể những thông tin về việc dùng thuốc tẩy, hô “biến” thực phẩm ôi thối thành tươi sống được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm vẫn tiềm ẩn nỗi lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, tiêu chuẩn.

          Cần những giải pháp mạnh

          Nhìn ra cả nước, thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm mất an toàn bị phát hiện, tuy nhiên các vụ việc bị phát hiện có lẽ chỉ như “muối bỏ bể” so với thực tế diễn biến thị trường. Cho thấy việc chế ngự thực phẩm “bẩn”, song song với việc phát triển nguồn thực phẩm “sạch” là yêu cầu cấp thiết.

Hải Phòng là thành phố có tỷ trọng nông nghiệp thấp so với các phân ngành kinh tế khác. Mặc dù vậy nguồn cung thực phẩm tại chỗ cũng khá lớn, theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có hàng trăm trang trại đang hoạt động, cùng hàng nghìn gia trại và các mô hình chăn nuôi khác, phần lớn tập trung ở khu vực ngoại thành.

Về thủy sản, với đặc thù sở hữu 3 nguồn nước mặn – lợ - ngọt, sản lượng cả nuôi trồng và khai thác tương đối lớn, trong khi dù không nhiều vùng chuyên canh, nhưng sản lượng của thành phố cũng đạt tới con số hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.

          Tuy nhiên nhìn vào thị trường, nguồn cung thực phẩm của Hải Phòng chủ yếu đang được tiêu thụ trôi nổi tại các chợ truyền thống, hoặc qua các thương lái. Hải Phòng có nhiều siêu thị phân phối thực phẩm, với hàng nghìn sản phẩm từ tươi sống, sơ chế đến chế biến công nghệ.

          Về lý thuyết, các thực phẩm vào siêu thị đều thể hiện rõ nguồn gốc, được kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ trong môi trường bảo ôn. Nhưng cũng dễ nhận thấy, hầu hết thực phẩm bán trong siêu thị không có nguồn gốc xuất phát từ Hải Phòng, ngoại trừ một số sản phẩm của Vineco Vĩnh Bảo hay một vài sản phẩm đơn điệu khác xuất hiện khiêm tốn trên các kệ hàng.

          Cho thấy việc kiểm chứng thông tin về mức độ an toàn thực phẩm từ các cơ quan chức năng của Hải Phòng còn nhiều nan giải.

          Mặc dù có nguồn cung đáng kể, nhưng số lượng mô hình sản xuất thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố còn rất khiêm tốn, hiện cả thành phố mới có gần chục cơ sở được cấp giấy chứng nhận “vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn”.           Nhưng do phải theo quy trình, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như cơ chế tăng trưởng, mô hình sạch luôn bị đội chi phí, kéo dài thời gian, khiến giá thành sản phẩm tăng cao.

          Trong khi đó như đã nói ở trên, nguồn thực phẩm sạch của Hải Phòng khó vào được hệ thống phân phối của siêu thị, còn nếu đưa ra thị trường thì không thể cạnh tranh với các nguồn cung khác, điều này đã khiến diện tích và sản lượng dành cho thực phẩm sạch của thành phố đang bị “teo tóp”.

Trên thực tế, Hải Phòng đã có không ít mô hình phân phối thực phẩm sạch, được quảng bá là khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một thời điển hình là của thế mạnh thuộc về thực phẩm chế biến Hạ Long, Hải Long và thực phẩm tươi Huy Quang, đã từng thành lập hệ thống điểm bán lẻ khắp nội thành. Nhưng sau một thời gian hoạt động, các hệ thống này dần bị thu hẹp đến chỗ tê liệt.

Bài học chưa thành công từ sự nỗ lực của các thương hiệu trên có lẽ chính là hệ quả của một thị trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bởi lẽ như đã phân tích, ngoài sự lép vế khi phải cạnh tranh về giá, so về số lượng và hình thức thì thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng đang chiếm thế áp đảo trên thị trường.

Vậy giải pháp nào cho thực phẩm sạch? Về lý thuyết thì công thức đưa ra là phải quan tâm đầu tư cho nguồn sản xuất sạch – có hệ thống phân phối sạch – chất lượng chuẩn mực và giá cả hợp lý. Mà nhiều năm nay trên các văn bản chuyên ngành vẫn xuất hiện những mô hình liên kết “nhiều nhà”, nhưng thực tiễn thì công thức mới chỉ mang tính khẩu hiệu.

Hải Phòng đang xúc tiến trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng và cả nước, ngoài nhu cầu tiêu thụ tại chỗ cho 2 triệu cư dân, thì nhu cầu về thực phẩm của khách tạm trú là tất yếu, hơn thế họ còn có thể mua về khi ra khỏi Hải Phòng như một món quà du lịch.

Thiết nghĩ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng bằng một thị trường lành mạnh, phải là đích hướng tới của thành phố, được như vậy thì mục tiêu xây dựng một Hải Phòng “An toàn, thân thiện, đáng sống” mới thành hiện thực.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông