Cần thiết giữ lại điều 199 BLHS

17:36 26/05/2009

Sáng ngày 25-5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 12, các đại biểu quốchội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau củadự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Học viên học nghề trong một trung tâm cai nghiện
Học viên học nghề trong một trung tâm cai nghiện

Đại biểu Trần Bá Thiều  - Giám đốc CATP Hải Phòng đã có ý kiến như sau: “Đối với Điều 199, tôi thấy trong điều kiện hiện nay chưa nên bỏ Điều 199 với các lý lẽ như sau: Thứ nhất, Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị ngày 26-3-2008 xác định tệ nạn ma túy là một thảm họa quốc gia, trong đó có yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để tập trung vào làm sao phấn đấu giảm tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy.

Trong này đặc biệt có lưu ý là Đảng, đoàn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phải chuẩn bị để sửa đổi các điều luật quy định của pháp luật liên quan đến tội phạm về ma túy. Cùng với chỉ thị đó Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu cho đến năm 2010 chúng ta sẽ giảm từ 20%-30% số người nghiện so với hiện có của năm 2005 và phấn đấu giảm đảm bảo làm sao ở mức 0,1% người nghiện trong tổng dân số của chúng ta.

Căn cứ với yêu cầu của Chỉ thị 21, tôi báo cáo thêm với các vị đại biểu Quốc hội, trong 10 năm từ 1996 đến 2008 Bộ chính trị Khóa VIII có Chỉ thị 06 về đấu tranh tăng cường lãnh đạo, đấu tranh phòng, chống ma túy và đến năm 2008 có một Chỉ thị 21 của Bộ chính trị Khóa X, yêu cầu của chỉ thị này và các giải pháp, mục tiêu và cơ chế trách nhiệm rất cao và rất rõ ràng. Nhưng việc sửa luật của Quốc hội chúng ta, tôi cảm thấy có vẻ giảm đi.

Yêu cầu của chỉ thị đặt ra là phải sửa luật nhưng đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực cao. Ở đây các điều liên quan đến ma túy đều giảm đi cả, Điều 199 bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy và Điều 194 thì tách ra bỏ khoản là không có điều khoản tử hình nữa trong khi chưa có một văn bản nào khẳng định đây không phải là thảm họa quốc gia. Tôi thấy về mặt chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là như vậy, về mặt thực tế như thế nào?

Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì không một đơn vị, một địa điểm tiếp xúc cử tri nào không yêu cầu phải giữ lại Điều 199. Thứ hai chúng ta làm cuộc điều tra xã hội học ngay ở hai trung tâm cai nghiện ở thành phố Hải Phòng mà hai trung tâm này rất lớn, hầu hết tất cả những người nghiện ở đây đều nói, nếu bỏ Điều 199 thì các chú, các bác không thể nào giữ được tình trạng nghiện hút ma túy hiện nay. Điều này để nói lên rằng lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiệu quả phòng ngừa của Điều 199 là không cao, tôi thấy không thuyết phục, không có căn cứ thực tế.

Đặc biệt tôi lại lưu ý nữa là trong này nói một câu mà tôi thấy rất khó hiểu, đó là nếu để tiếp tục điều này thì thiếu công bằng xã hội. Tôi không hiểu các đồng chí lập luận như thế nào? Bây giờ để một điều luật mà nó ngăn chặn, giá trị phòng ngừa còn đang tốt như thế này, ngăn ngừa một thảm họa quốc gia với bỏ đi điều luật để có khả năng sẽ tăng thảm họa quốc gia lên mà bảo lại thiếu công bằng xã hội thì tôi không hiểu các đồng chí căn cứ vào đâu mà lập luận theo tinh thần này.

Một ý nữa, trong tình hình thực tế hiện nay công tác quản lý xã hội, quản lý cai nghiện, quản lý người nghiện nói chung của đất nước chúng ta chưa cho phép bỏ Điều 199, nếu muốn thực hiện được mục tiêu yêu cầu của Chỉ thị 21 và Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Chúng ta làm như thế này, thưa các đồng chí, tôi thấy rất lo lắng.

Với tinh thần đấy tôi đề nghị Quốc hội hết sức thận trọng và cân nhắc, một điều luật Quốc hội có thể bấm nút bỏ đi điều này, điều kia nếu phân tích thấu đáo và thấy đúng. Nhưng với tình hình hiện nay mà chúng ta bỏ đi một điều luật mà làm cho người nghiện tăng lên, tệ nạn xã hội ma túy tăng lên và thảm họa quốc gia tăng lên, thì chúng ta có nên làm không? Vấn đề này đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc.

Cũng với tinh thần như vậy tôi thấy Điều 194, không nên chia tách và giữ nguyên. Bởi vì trên thực tế những cơ quan tư pháp chúng tôi khi làm án thì những trường hợp vận chuyển ma túy, thực sự với mục đích chỉ là vì cuộc sống thì cũng chưa tử hình người nào như thế cả, nhưng giá trị răn đe rất cao. Bây giờ tách ra như thế, tách ra như ý kiến một số đại biểu phân tích tôi thấy còn rất nhiều sơ hở, chỗ này nếu mà chúng ta căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước và nguyện vọng của nhân dân thì tôi thấy chỗ này hết sức cân nhắc”.

Điều 199 về “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” được dự thảo đề nghị sửa theo hướng “người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tái nghiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh thì có thể quay lại cơ sở chữa bệnh để tiếp tục cai nghiện”, thay cho quy định cũ là “Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”.



PV


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông