Cảnh báo tình trạng người trẻ mắc bệnh tình dục

    11:10 16/12/2022

    Theo thống kê các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, thời gian gần đây tại các cơ sở y tế ghi nhận lượng lớn bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tình dục, trong đó nhóm học sinh, sinh viên đến khám có xu hướng gia tăng.
    Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám để được điều trị sớm, tránh nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm
     

    Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ ai cũng có thể mắc các bệnh này, nhưng một vài nhóm có nguy cơ cao hơn: trẻ vị thành niên, nam quan hệ với nam, người làm nghề mại dâm... Đối với trẻ vị thành niên, dù đã phát triển đầy đủ về mặt tâm sinh lý nhưng nhiều em không được giáo dục giới tính đầy đủ, thiếu kiến thức và nhận thức về nguy cơ mắc bệnh, từ đó khả năng lây nhiễm khá cao. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến các ca lây nhiễm qua đường tình dục trong giới trẻ tăng nhanh gần đây.

    Ở nhóm nam quan hệ tình dục với nhau, lý do thường gặp là không thích sử dụng bao cao su và quan hệ với nhiều bạn tình. Ngoài ra, nhóm này còn quan hệ bằng đường miệng và đường hậu môn nên có nguy cơ lây truyền rất cao. Với những người làm nghề mại dâm, dù thường sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ đường âm đạo và hậu môn, nhưng lại không sử dụng khi quan hệ qua đường miệng. Chưa kể, bao cao su cũng không có khả năng bảo vệ 100%.

    Cũng theo các chuyên gia y tế, hầu hết bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể chữa khỏi, nhưng có một số bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn như viêm gan B, viêm gan C, HSV (nhiễm virus herpes), HIV. Dù vậy, vẫn có thể được kiểm soát và giảm nguy cơ lây truyền cho bạn tình bằng cách sử dụng thuốc điều trị thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ.

    Bệnh lây qua đường tình dục thường có dấu hiệu như tiểu gắt, tiểu buốt, hoặc tiết dịch ở đầu dương vật; nổi vết loét hoặc nổi sẩn hoặc phát ban ở các vị trí như dương vật, bìu, hậu môn, mông, đùi, miệng...; sưng, đau hạch bạch huyết ở bẹn; sưng đau tinh hoàn; đau khi quan hệ tình dục; tiết dịch hoặc xuất huyết âm đạo bất thường, có thể kèm mùi hôi; đau bụng dưới.

    Đôi khi bệnh lây truyền qua đường sinh dục biểu hiện không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Có một số bệnh chỉ cho thấy dấu hiệu của bệnh sau khi đã nhiễm bệnh một thời gian dài. Ví dụ, bệnh do nhiễm virus HIV, viêm gan B hoặc C thường được phát hiện khi bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm tầm soát, ít khi được chẩn đoán nhờ những triệu chứng ban đầu. Vì vậy, người bệnh thường không biết mình có bệnh và dễ làm lây lan ra ngoài cộng đồng.

    Đối với bệnh lậu và nhiễm Chlamydia, nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm mào tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm túi tinh, viêm ống dẫn tinh, cuối cùng dẫn đến vô sinh ở nam giới. Nữ giới cũng có thể bị các biến chứng như nhiễm trùng lan tỏa vùng sinh dục - hậu môn, vô sinh hoặc các di chứng liên quan đến thai kì như sảy thai - sinh non, thai ngoài tử cung, lây truyền bệnh cho con khi sinh qua đường âm đạo.

    Đối với bệnh giang mai, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ thì bệnh có thể bước vào giai đoạn muộn với hàng loạt các biến chứng ở hệ thần kinh, mắt, mạch máu. Phụ nữ khi mang thai có thể bị sảy thai, thai chết lưu, hoặc sinh ra trẻ bị giang mai bẩm sinh với nhiều dị tật và nguy cơ tử vong cao. Một bệnh lý quan trọng là HIV, người bệnh có thể bị tử vong do những hậu quả của suy giảm miễn dịch như nhiễm trùng cơ hội, ung thư...

    Phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ có thể bằng cách chung thủy một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người, đặc biệt là gái mại dâm. Nếu có quan hệ tình dục với người mới, nên tìm hiểu và thảo luận cởi mở về lịch sử tình dục của họ. Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn nhằm làm giảm khả năng nhiễm trùng xuống tối thiểu nhất có thể. Lưu ý, bao cao su nam không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi lây nhiễm. Ví dụ, bệnh sùi mào gà do virus HPV gây ra có thể lây nhiễm sang những khu vực không được bao cao su che chắn.

    Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm ngừa các vắc xin ngừa HPV và viêm gan B. Nếu có nguy cơ lây nhiễm HIV, nên dùng thuốc PrEP để dự phòng hàng ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để được tầm soát, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

    THÙY CHI

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích