11:17 03/07/2022 60 năm qua, trong suốt thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng, lực lượng Cảnh sát Nhân dân (CSND) luôn quán triệt, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ; Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc, phải tận tụy; Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Đây chính là “cẩm nang” cơ bản để mỗi CBCS ứng xử một cách văn hóa với chính bản thân mình, với với nhân dân trong thực thi và với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi yêu cầu xây dựng văn hóa CSND được đặt trong chiến lược xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Chủ động, kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm
Là lực lượng trực tiếp tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và thực thi bảo vệ pháp luật, lực lượng CSND trước hết phải chấp hành nghiêm luật pháp. Thượng tôn pháp luật chính là nếp sống văn hóa, văn minh của mỗi CBCS trong lực lượng, từ đó mới góp phần lan tỏa trong xã hội, trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân.
Kể từ ngày được thành lập, lực lượng CSND luôn “lấy dân làm gốc”, “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”. Phương châm hành động cho mọi mặt công tác của lực lượng là: “Chủ động, kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, hiệu quả”. Theo đó, toàn lực lượng từ Bộ tới các cấp đã tổ chức thực hiện hiệu quả các Thông tư quy định về quy tắc ứng xử (gồm quy tắc ứng xử chung và các quy tắc ứng xử với Nhân dân, với người vi phạm pháp luật; ứng xử nơi cư trú, nơi công cộng; ứng xử, giao tiếp qua điện thoại...) cũng như các quy định về thực hiện dân chủ trong bảo đảm TTATXH, trong hoạt động điều tra, phòng chống tội phạm, trong công tác tiếp công dân... Cụ thể, hàng vạn CBCS trong lực lượng được tăng cường về cơ sở đã luôn gần gũi, sâu sát với Nhân dân, chủ động tìm đến với dân theo đúng khẩu hiệu: “Lúc Nhân dân cần, lúc Nhân dân khó, có Công an”.
Bên cạnh đó, lực lượng CSND còn luôn xiết chặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”; “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ”.
Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng thường xuyên lắng nghe ý kiến Nhân dân, phát huy và nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân; luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác quản lý CBCS; đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác, tiếp xúc, giải quyết công việc với Nhân dân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh CAND.
Đây là yếu tố văn hóa quan trọng nhất để lực lượng CSND luôn luôn có mối quan hệ gắn bó “máu thịt” với Nhân dân. Càng trong điều kiện khó khăn, phức tạp càng phải dựa vào dân, vì dân phục vụ với tinh thần “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi; lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm lẽ sống của mình”.
Đề cao tính nhân văn trong điều tra, xử lý tội phạm
60 năm qua, trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH, lực lượng CSND luôn chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa, lấy chủ động phòng ngừa là chiến lược cơ bản, lâu dài, với mục tiêu hằng năm kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự; giảm cháy, nổ, tai nạn giao thông, giảm các hành vi mang tính bạo lực trong xã hội. Đi cùng với đó là việc chú trọng cảm hóa các loại đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở, chủ động phát hiện, giải quyết mâu thuẫn trong Nhân dân từ lớn thành nhỏ, nhỏ thành không còn mâu thuẫn.
Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc bởi nếu giảm được khoảng 2.000 vụ phạm pháp hình sự thì có 2 nghìn gia đình không có người phạm tội, đồng thời 2 nghìn gia đình không bị trở thành nạn nhân của tội phạm, trại giam bớt đi được 2 nghìn chỗ... Chính vì vậy, trong điều tra xử lý tội phạm, lực lượng CSND luôn quán triệt mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân theo Hiến pháp và pháp luật; luôn đề cao và phát huy tính nhân văn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Nhận thức sâu sắc công tác điều tra, xử lý tội phạm liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của từng con người, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp luôn hết sức thận trọng, trách nhiệm, “đúng lý, hợp tình”.
Trong từng vụ án, toàn lực lượng luôn phân hóa, làm rõ trách nhiệm từng bị can để áp dụng chính sách hình sự phù hợp. Nếu trường hợp “bắt cũng được, không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt”. Các hoạt động điều tra đồng thời hướng đến cảm hóa giáo dục, làm giảm thái độ ngoan cố, chống đối để lập công chuộc tội; tiếp tục thực hiện nguyên tắc “phát hiện 1 vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” để không phải bắt, xử lý nhiều mà vẫn mang lại hiệu quả.
Đã có rất nhiều chuyên án, vụ án đã được tổng kết, rút ra những kinh nghiệm quý để các thế hệ CBCS tiếp theo học tập, vận dụng trong công tác, đồng thời được chuyển tải thành các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khẩu, điện ảnh, ấn phẩm văn hóa có giá trị lâu dài để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng.
Có thể khẳng định, nhiều năm qua, lực lượng CSND luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lĩnh vực văn hóa, xã hội với phòng, chống tội phạm và giữa phòng, chống tội phạm với văn hóa, xã hội.
Qua công tác điều tra, xử lý tội phạm và giáo dục, cải tạo can, phạm nhân, lực lượng đã góp phần bảo vệ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, từ đó, từng bước ngăn chặn những tiêu cực, kéo giảm tệ nạn xã hội, kịp thời phát hiện, kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng để các ngành, cấp và toàn xã hội cảnh giác, chủ động khắc phục, phòng ngừa, hạn chế những tiêu cực, thiếu sót từ yếu tố môi trường văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống, sản phẩm văn hóa độc hại, để không còn là nguyên nhân có thể phát sinh, trở thành hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.
Khánh Chi
KC