Chiến công đầu tiên của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam

13:30 25/06/2016

 

Đội trinh sát đặc biệt của Công an tham gia khám xét, bắt bọn Quốc dân đảng ngày 12-7-1946
Đội trinh sát đặc biệt của Công an tham gia khám xét, bắt bọn Quốc dân đảng ngày 12-7-1946

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ngay từ những năm đầu lập nước, Đảng ta, chính quyền cách mạng non trẻ và nhân dân ta phải bước ngay vào thử thách mới: Đối phó với muôn vàn khó khăn về đời sống kinh tế, xã hội do hậu quả của chế độ phong kiến nửa thuộc địa, lại bị các thế lực phản cách mạng trong, ngoài cấu kết thành những liên minh, hoạt động ráo riết và trắng trợn, đẩy chính quyền non trẻ vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đây là thời kỳ lịch sử chống thù trong giặc ngoài vô cùng gay go quyết liệt để bảo vệ thành quả cách mạng…

Bên ngoài, các thế lực ngoại xâm mượn danh nghĩa đồng minh lần lượt kéo vào nước ta theo thỏa thuận tại Hội nghị Pốt-xđam (tháng 7-1945). Bọn Tưởng Giới Thạch, tay sai của đế quốc Mỹ đem quân vào miền Bắc, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra. Quân đội Anh chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở vào. Được quân Anh và quân Nhật hỗ trợ, đêm 22, rạng ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Gia Định, công khai phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa.

Bên trong, dựa vào các thế lực ngoại xâm, bọn phản cách mạng trong nước đua nhau ngóc đầu dậy chống phá chính quyền cách mạng với hàng trăm tổ chức, đảng phái phản động. Trong số đó, Quốc dân đảng là đảng phái phản động nhất, được quân Tưởng Giới Thạch và sau đó là quân Pháp nuôi dưỡng, đã tổ chức các lực lượng vũ trang phản cách mạng như “Thần lôi đoàn”, “Thiếu huyết đoàn”, “Hùm xám”… tiến hành các vụ bắt cóc tống tiền, ám sát cán bộ. Tại Hà Nội, Quốc dân đảng có tới 41 trụ sở công khai và bí mật gồm cơ quan trung ương, các cơ quan ngôn luận, nhà in, các đội ám sát…

Từ đầu tháng 4-1946, trinh sát chính trị Sở Công an Bắc bộ thu thập được nguồn tin sắp có cuộc đảo chính. Tháng 5-1946, đội trinh sát đặc biệt đã bí mật bắt tên Tham Trân là tay sai đắc lực của Pháp. Tên Trân khẳng định cuộc đảo chính sẽ nổ ra vào tháng 7 nhưng y không biết kế hoạch và ngày bắt đầu. Trân có nhiệm vụ vận động công chức cũ ủng hộ chính quyền Quốc dân đảng do Pháp dựng lên sau đảo chính. Đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương khi đó đã trực tiếp chỉ huy điều tra, nắm được tin tức xác thực về cuộc đảo chính của bọn Quốc dân đảng tại Hà Nội nhưng chưa thu được chứng cứ để báo cáo trung ương. Lúc này, Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ ta đang ở Pháp.

Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Vo Nguyên Giáp yêu cầu phải thu thập bằng được chứng cứ, cương quyết trấn áp nhưng không được mắc mưu khiêu khích của kẻ thù. Phải ngăn chặn được cuộc đảo chính, đồng thời vẫn giữ được hòa bình, kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến của ta và bảo đảm an toàn phái đoàn Chính phủ ta cùng Hồ Chủ tịch đang ở Pháp.

Trong quá trình điều tra, cơ sở của ta báo cáo, tại trụ sở 132 Đuy-vi-nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân), bọn Quốc dân đảng đang in thông cáo, truyền đơn phản động chuẩn bị cho cuộc đảo chính ngày 14-7-1946. Nhưng khi ta yêu cầu cơ sở lấy truyền đơn để làm chứng cứ thì cơ sở không lấy được vì chúng canh gác và kiểm soát rất gắt gao. Những tin tức về cuộc đảo chính được kịp thời báo cáo lên trung ương và Chính phủ. Mặc dù hết sức lo lắng cho vận mệnh quốc gia nhưng không có một bằng chứng nào nên trung ương và Chính phủ vẫn chưa thể cho phép Nha Công an mở cuộc trấn áp. 18h ngày 11-7-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến Nha Công an nghe báo cáo chi tiết về âm mưu và kế hoạch đảo chính của địch.

Đồng chí xác nhận tin tức của Nha là xác thực và thông báo: Chỉ huy quân đội Pháp nhiều lần xin Bộ Tổng tham mưu của ta cho quân đội Pháp được diễu binh trên các phố của Hà Nội và một số tuyến đường ngoài khu vực quy định của Hiệp định sơ bộ 6-3, nhân ngày Quốc khánh Pháp (14-7) nhưng ta chưa đồng ý. Đồng chí nhấn mạnh, trước khi đi Pháp, Bác dặn: Ở nhà nếu có xảy ra va chạm giữa ta và quân đội Pháp hoặc với Quốc dân đảng, phải giải quyết hết sức thận trọng, việc lớn cần bóp nhỏ lại, việc nhỏ không cho phát triển thành lớn…

22h ngày 11-7, đồng chí Giám đốc Nha Công an trung ương triệu tập các đồng chí Bùi Đức Minh, Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua họp bàn phương án đối phó. Đồng chí Nguyễn Tạo được giao trọng trách lấy cho bằng được vật chứng dù chỉ một tờ thông cáo hay một tờ truyền đơn kêu gọi đảo chính để làm bằng chứng trình Chính phủ. 24h ngày 11-7, cơ sở khẩn cấp báo tin: Tại 132 Đuy-vi-nhô, chúng đã in xong tài liệu kêu gọi lật đổ chính quyền, các loại truyền đơn và lời hiệu triệu quốc dân; một số đã chuyển đi. Sáng 12-7, chúng sẽ phân tán tài liệu, các trụ sở khác đều rút vào bí mật, chuẩn bị đảo chính. Chỉ còn 5 giờ đồng hồ nữa, bọn Quốc dân đảng sẽ rút vào bí mật, thời cơ trấn áp không còn.

Trươc vận mệnh quốc gia, sự an toàn của Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ ta đang ở Pháp tùy thuộc vào quyết định trấn áp hay chờ có lệnh cấp trên mới trấn áp? Không còn thời gian để những người lãnh đạo lực lượng An ninh nghĩ về mình, họ thống nhất chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và quyết định: Phải đột kích bí mật vào trụ sở 132 Đuy-vi-nhô để thu chứng cứ trình quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.

4h30’ ngày 12-7-1946, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua, một tiểu đội trinh sát và một số chiến sỹ Công an xung phong đã bí mật, bất ngờ đột kích vào hang ổ địch, bắt gọn gần 20 tên, thu máy in, súng, lựu đạn và một xe Cam nhông các loại tài liệu phản Cách mạng. Đặc biệt ta thu được một tài liệu do Trương Tử Anh viết “Kế hoạch đả Chính phủ Hồ Chí Minh”.

Theo kế hoạch này thì đến ngày 14-7-1946, quân đội Pháp diễu binh qua Bắc Bộ phủ, bọn Quốc dân đảng sẽ ném lựu đạn vào đám lính da đen gây tiếng nổ và đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh trật tự, chống lại quân đồng minh và quân Pháp sẽ ập ngay vào Bắc bộ phủ bắt toàn bộ Chính phủ ta, tuyên bố thành lập chính phủ Quốc dân đảng. Trước chứng cứ rõ ràng, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng cho phép lực lượng Công an tiến công, truy quét bọn Quốc dân đảng.

Trong ngày 12-7-1946, lực lượng An ninh đã huy động gần 200 trinh sát, Công an xung phong có thêm một trung đội tự vệ chiến đấu phối hợp, đồng loạt khám xét trụ sở của Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu và 40 địa điểm khác là trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân đảng, bắt gần 300 tên, thu thập nhiều tài liệu phản động, dụng cụ làm bạc giả, dụng cụ tra tấn, thuốc mê và đào được 6 xác người bị chúng giết chôn trong vườn tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu, giải thoát nhiều người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng trước 48 giờ. Trong số những tên bị bắt có Phan Kích Nam và nhiều tên trong cơ quan trung ương của Quốc dân đảng. Đồng thời với cuộc khám bắt ở Hà Nội, tại Trung Bộ, Nam Trung Bộ và các tỉnh cũng được lệnh khám bắt các trụ sở Quốc dân đảng ở địa phương, đón bắt bọn Quốc dân đảng từ Hà Nội chạy về.

Ngay trong quá trình trấn áp, lực lượng An ninh đã tổ chức triển lãm về những bằng chứng tội ác của Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu: Hàng vạn đồng bào Hà Nội đã tới xem trong mấy ngày, thấy rõ tội ác dã man và bộ mặt giả dối của Quốc dân đảng. Cuộc triển lãm còn là biện pháp tuyên truyền sinh động, góp phần nâng cao giác ngộ chính trị của nhân dân.

Cuộc tổng trấn áp, phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu không chỉ đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng mà còn phá tan hệ thống tổ chức của một đảng phản động có thực lực nhất lúc bấy giờ; phá vỡ liên minh phản cách mạng giữa bọn phản động bên trong với thế lực xâm lược bên ngoài, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng trong bối cảnh vận mệnh đất nước ở vào tình thế rất hiểm nghèo.

Thành công của vụ án đã khẳng định sức mạnh và uy tín của chính quyền cách mạng, nhân dân ngày càng tin tưởng và ủng hộ chế độ mới. Đồng chí Trường Chinh khi đó là Tổng Bí thư của Đảng, đã đánh giá: “Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt nạ bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài… Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh chính trị, giả danh quốc gia dân tộc… Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh và uy tín của chính quyền nhân dân”.

Khám phá thành công vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu là một mốc son ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc, mở đầu chặng đường vẻ vang của lực lượng An ninh. Thắng lợi của vụ án đã khẳng định: Trong những thời khắc quyết định của lịch sử, vận mệnh của Đảng, của dân tộc đứng trước những thử thách lớn lao, lực lượng An ninh đã thể hiện rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, bản lĩnh cách mạng kiên cường và ý chí quyết thắng, chủ động tiến công địch. Trong bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ vừa phải đối phó với kẻ thù bên ngoài mang dã tâm xâm lược nhưng lại núp dưới danh nghĩa “Đồng minh”; các đảng phái phản động bên trong nuôi âm mưu cướp chính quyền nhưng lại khoác áo “Cách mạng quốc gia”, càng cho thấy ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc to lớn của vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 24-5-2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 457/2001/QĐ-BCA(X11) xác định ngày 12-7-1946 là ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam. 

Minh Phương - Thu Ninh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích