Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 27-5 đã công bố Chiếnlược an ninh quốc gia mới, theo đó sẽ kết hợp can dự ngoại giao và kỷluật kinh tế với sức mạnh quân sự để củng cố vị thế của Mỹ trên thếgiới. Đáng chú ý, Nhà Trắng hạn chế bớt khái niệm quyền tấn công phủđầu hay đơn phương hành động quân sự.
| Ông Obama coi trọng ngoại giao đa phương |
Quốc hội Mỹ quy định chiến lược an ninh quốc gia của nước này phải được công bố bốn năm một lần.Các tổng thống Mỹ thường sử dụng Chiến lược an ninh quốc gia để đề ra các mục tiêu lớn và ưu tiên trong việc đảm bảo an ninh cho nước Mỹ. Và văn kiện dài 52 trang công bố hôm 27-5 là Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Obama. Văn kiện nhấn mạnh vũ lực nên được sử dụng, nhưng không nên mở rộng quá mức và chỉ được áp dụng với các điều kiện nghiêm ngặt hơn so với thời của tổng thống Bush.Như vậy, ông Obama đã thể hiện việc coi trọng ngoại giao đa phương hơn sức mạnh quân sự, thừa nhận vũ lực là biện pháp cuối cùng và cần phải tăng cường hợp tác ngoại giao quốc tế.Đây được xem là bước đi đoạn tuyệt với chính sách hành động đơn phương thời cựu Tổng thống Bush.
Chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Obama còn kêu gọi mở rộng quan hệ vượt xa hơn các đồng minh truyền thống, vươn tới những cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ nhằm chia sẻ gánh nặng quốc tế.Văn kiện nói rằng những nguy cơ lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ bao gồm sự sụp đổ về kinh tế, tình trạng ấm lên của trái đất, chiến tranh trên mạng, phổ biến vũ khí hạt nhân và các xung đột sắc tộc.
Văn kiện còn khẳng định quyết tâm của chính quyền Obama nhằm nỗ lực can dự với "các nước thù địch", song cảnh báo Iran và CHDCND Triều Tiên rằng Mỹ có nhiều biện pháp để cô lập các nước này nếu họ tiếp tục không đáp ứng áp lực của quốc tế về việc chấm dứt các chương trình hạt nhân.Học thuyết cũng đề cập việc Mỹ cảm thấy lo lắng trước nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và sẽ "chuẩn bị phù hợp" để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và đồng minh. Chiến lược của ông Obama cũng nhắc lại mục tiêu "phá vỡ, triệt phá và đánh bại" mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Đánh giá rộng hơn về an ninh quốc gia, ông Obama cũng nêu lên sự cần thiết của việc phục hồi kinh tế vì đó là điều quan trọng để duy trì quyền lực của Mỹ.Học thuyết cho rằng tăng trưởng kinh tế bền vững xoay quanh việc đưa đất nước vào "con đường tài chính ổn định" đồng thời hối thúc giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài.
Đề cập đến Chiến lược An ninh quốc gia mới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 27-5 nhấn mạnh chiến lược này sẽ huy động mọi yếu tố sức mạnh, không chỉ sức mạnh quân sự, để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ.Bà tuyên bố Mỹ phải "cân đối và kết hợp" tất cả các yếu tố sức mạnh trong cái gọi là "quyền lực thông minh", bao gồm sức mạnh về quân sự, ngoại giao và viện trợ, vốn gồm cả sức mạnh kinh tế và "sức mạnh về tấm gương của Mỹ".Ngoại trưởng Mỹ cho rằng điều này cũng đòi hỏi sách lược ngoại giao "chậm và kiên trì".
Khẳng định nước Mỹ vẫn hùng mạnh, song Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng cho rằng Mỹ phải sử dụng sức mạnh của mình theo các cách mới. Bà nêu rõ: "Mỹ sẽ chuyển từ áp dụng sức mạnh trực tiếp sang hình thức pha trộn phức tạp và khó khăn hơn giữa sức mạnh gián tiếp và vai trò ảnh hưởng của Mỹ". Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ James Jones tuyên bố học thuyết an ninh mới giải thích rõ ràng và khái quát chính sách an ninh quốc gia của Mỹ, trong đó kêu gọi tăng cường vai trò trung tâm của Mỹ thông qua việc mở rộng, phát huy sức mạnh tổng hợp bao hàm cả kinh tế, giáo dục, năng lượng, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác, đồng thời đặt an toàn của công dân Mỹ lên hàng ưu tiên an ninh cao nhất.
VIỆT ANH (tổng hợp) |