Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: Hải Phòng phấn đấu phát triển, nâng cấp 335 sản phẩm OCOP

13:35 16/03/2021

UBND TP vừa bàn hành Quyết định số 674/QĐ-UBND, ngày 9-3-2021 về việc phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Các đại biểu tham gia tập huấn chương trình OCOP

Theo đó, mục tiêu của Quyết định là nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế. Qua đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dâ, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng.

          Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, toàn thành phố sẽ phát triển, nâng cấp 335 sản phẩm OCOP (năm 2021 sẽ nâng cấp, hoàn thiện cho các sản phẩm đã được đánh giá phân hạng cho 60 sản phẩm); củng cố, phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh hoàn thiện nâng cấp sản phẩm OCOP (lực chọn, hoàn thiện, nâng cấp phát triển sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cho ít nhất 5 sản phẩm; lựa chọn, hoàn thiện nâng cấp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị cho ít nhất 150 – 200 sản phẩm có tiềm năng, khả năng thương mại); đào tạo nguồn nhân lực, rà soát (kiện toàn hệ thống quản lý điều hành chương trình từ thành phố đến quận/huyện, xã/phường/thị trấn; phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành triển khai trực tiếp chương trình..).

Giai đoạn 2026-2030, tiến hành đánh giá các sản phẩm của giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng thuộc các nhóm sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ, phát triển mới các tổ chức kinh tế làm sản phẩm OCOP.

          Chương trình sẽ được thực hiện tại 217 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố.

          Về nội dung, triển khai chu trình OCOP thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất, kinh doanh; triển khai phương án sản xuất, kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. Sản phẩm OCOP sẽ được phát triển sản xuất, dịch vụ theo 6 nhóm, gồm: thực phẩm là nông sản tương sống, sản phẩm sơ chế, chế biến từ nông lâm thuỷ sản; đồ uống có cồn và đồ uống không có cồn; thảo dược; vải, may mặc; thủ công, mỹ nghệ trang trí; dịch vụ du lịch và điểm du lịch cộng đồng.

Các nội dung về hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm; xây dựng dự án thành phần của chương trình; xây dựng chính sách thực hiện chương trình OCOP tại thành phố cũng được quy định cụ thể tại Quyết định này.

          Tổng kinh phí thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là trên 165,4 tỷ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ nguồn ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, vốn chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới, nguồn khuyến nông, khuyến công; các nguồn vốn lồng ghép khác của TW, thành phố; nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tự huy động; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hành chính sách, quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ, vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

          Nhiệm vụ, giải pháp triển khai chương trình là hoàn thiện hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều hành chương trình từ thành phố đến cơ sở; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chương trình; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cấp sản phẩm; ứng dụng KHCN trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP; đánh giá, phân loại sản phẩm; xúc tiến thương mại; xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý, kinh nghiệm thực tế triển khai chương trình; đánh giá tổng kết chương trình.

          Về tổ chức thực hiện, UBND TP giao Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực thực hiện chương trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo đúng mục tiêu đề ra; xây dựng kế hoạch chi tiết hành năm, trình UBND TP phê duyệt thực hiện; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm theo chương trình; ứng dụng CNTT, xây dựng phần mềm quản lý đánh giá, phân hạng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP…

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND TP bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch chương trình hằng năm; kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các đơn vị liên quan quản lý, sử dụng kinh phí, thực hiện quyết toán theo đúng quy định..

          Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND các quận/huyện nghiên cứu phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn; phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm thuộc lĩnh vực phụ trách…

          UBND các quận/huyện rà soát, bổ sung nhiệm vụ, kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình từ cấp huyện đến xã theo quy định; kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện; phối hợp với các Sở, ngành tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung trong chương trình; rà soát, bổ sung, đánh giá các sản phẩm có tiềm năng khác trên đia bàn đăng ký tham gia chương trình hàng năm; xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình của địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương và phát triển dịch vụ du lịch, điểm du lịch cộng đồng; bố trí nguồn lực cần thiết, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn tổ chức triển khai chương trình…

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông