Cả nước hiện có khoảng 50 vạn lao động đang làm việc ở gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng tại Hải Phòng mỗi năm cũng có vài nghìn lao động tha hương kiếm sống bên Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận do xuất khẩu lao động mang lại, những hệ luy của nó đôi khi cũng là nỗi ám ảnh không nhỏ cho hạnh phúc nhiều gia đình.
| Nỗi niềm người vợ có chồng đi xuất khẩu lao động (ảnh minh hoạ) |
Chuyện buồn kể lại
Theo danh sách do một anh bạn từng làm ở Trung tâm hợp tác lao động quốc tế cung cấp, địa chỉ đầu tiên tôi tìm đến là nhà anh Tr. ở một con ngõ nhỏ trên đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng, quận Lê Chân. E rằng mình sẽ gặp trở ngại nên tôi sắm vai người đi tìm mua nhà, quả nhiên được anh Tr. tiếp đón rất niềm nở. Vào chuyện tào lao được một lúc, tôi mới bộc lộ thật ý định của mình, có vẻ hơi cụt hứng và ngần ngại, anh Tr. nói lảng: “Chuyện gia đình ấy mà, mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh”.
Sau một hồi thuyết phục, anh Tr. đồng ý kể chuyện nhưng nhất định không cho viết tên thật và chụp ảnh mình đưa lên báo. Theo tâm sự của anh, từ năm 1987, khi đang làm việc tại một xí nghiệp giày dép, anh được ưu tiên sang Tiệp Khắc. Ngày ấy đi “Tây” là oai lắm, chứ không mang tiếng “ô sin” như bây giờ. Cho đến khi hệ thống XHCN Đông Âu và Liên Xô tan vỡ, Tiệp Khắc tách thành hai quốc gia, anh Tr. về nước trước thời hạn. Dù vậy, với vốn liếng làm lụng bấy lâu, anh cũng mua được 2 thùng hàng, dự tính đem về bán đi xây lại căn nhà rồi kiếm kế sinh nhai lâu dài.
Nhưng về nước rồi anh mới vỡ lẽ, chẳng là vợ anh tên là S. cũng làm cùng xí nghiệp, vốn có nhan sắc hơn người nên khi anh ra nước ngoài một thời gian thì được giám đốc “đề bạt’ làm thư ký. “Lửa gần rơm…”, một thời gian sau S. công khai mối quan hệ nhân ngãi với “sếp”, để mặc đứa con trai mới 5 tuổi cho mẹ chồng nuôi. Vì sợ anh Tr. nhỡ việc nên bà mẹ dặn dò người nhà tuyệt nhiên giữ bí mật. Về nước, mọi chuyện bung lở, Tr. ngậm đắng nuốt cay vì biết sức mình không “đọ” được với tay giám đốc lắm quyền nhiều của, đành chấp nhận ly dị vợ.
Thế là căn nhà ở đường Trần Nguyên Hãn phải bán đi chia đều, Tr. chuyển về chỗ ở mới bây giờ, còn S. sau đấy cũng bị tay giám đốc “đá”, lang chạ chán rồi lấy một chàng lái xe bỏ vợ. Chán chường mất một dạo, Tr. quyết chí làm ăn để “trả thù đời”, mới hùn vốn cùng mấy anh bạn đi buôn hàng Trung Quốc. “Thù” chưa trả được, nhưng mới đi vài chuyến mà bao nhiêu vốn liếng tích được ở bên “Tây” cũng bay đi hết, hai bố con anh nhanh chóng lâm vào cảnh cùng cực.
Cũng thời gian này, người họ hàng của anh Tr. ở Kiến Thụy mai mối cho anh được một cô tên là L., gọi là lỡ thì nhưng thực tế mới 27 tuổi, hai người về ở với nhau không hôn thú. Nhưng cuộc sống khốn khó, được hơn một năm đôi vợ chồng đã liên tục khục khặc, chồng quen lối sống kiểu “Tây”, vợ thì giữ nguyên nếp chất phác quê mùa nên “có cơm mà chẳng lành, có canh mà không ngọt”. Cho đến một hôm, Tr. đến tìm anh bạn tôi lo lắng thông báo là vợ anh đã bỏ nhà đi, nghe bên ngoại nói là đã sang Đài Loan làm khán hộ công và vật nài anh bạn tôi tìm hộ. Thương hoàn cảnh của anh, bạn tôi liên lạc với các trung tâm xuất khẩu lao động, cuối cùng cũng biết được chị L. sang Đài Loan từ trường dạy nghề và xuất khẩu lao động Đỉnh Vàng. Nhờ thế mà anh Tr. liên lạc được với vợ.
Qua điện thoại, anh Tr. dùng hết lời lẽ ngọt nhạt để thuyết phục vợ, có lúc cả răn đe nữa nhưng không có kết quả. Hai năm trôi qua, mòn mỏi chờ đợi rồi cuối năm ngoái chị L. gửi về cho anh Tr. 20 triệu đồng, gọi là món quà “đoạn tình”, kèm theo tấm ảnh chị chụp với người chồng ngoại trạc tuổi bố mình. Nhìn bức ảnh, thấy L. đổi khác, tóc uốn điệu đà, áo thun hở ngực áp sát vào “cụ chồng” xem ra tình tứ lắm. Tr. chán ngán cho thân phận mình, cầm tiền mà xót xa, nhưng tỉnh ra thì tất cả đã muộn màng. Giờ đây còn căn nhà, anh Tr. định “chơi” nốt canh bạc cuối cùng là bán đi mua một chiếc xe tải để chạy thuê.
Tan mộng đổi đời
Qua khảo sát tại một số gia đình ở Hải Phòng, tôi nhẩm tính bình quân mỗi người tích lũy được khoảng một trăm triệu đồng sau thời gian tối thiểu 3 năm đi lao động ở nước ngoài. Như vậy nếu tính chung 50 vạn người cả nước, thì tổng số tiền lọt vào “hom giỏ” nước mình khoảng gần 180 tỷ đồng mỗi năm. Đây quả là giải pháp hữu hiệu cho công tác xóa đói giảm nghèo. Sự thật là có rất nhiều gia đình đã đổi đời khi tham gia xuất khẩu lao động, nhưng ngược lại khi có tiền, cái nghèo bị đuổi đi thì không ít những nỗi buồn khác lại đua nhau kéo đến.
Về xã Thuận Thiên (Kiến Thụy), tôi dừng chân ở một quán nước ven đường hỏi thăm nhà anh Đ., được chị chủ quán vồn vã: “Đấy, cái nhà đang xây dở hai tầng đấy…”. Hỏi thăm tiếp về vợ chồng Đ., chị chủ quán trề môi: “Bỏ nhau rồi, có vợ không biết giữ còn nước ngoài với nước trong, giờ lại đi xây thuê, còn nhà mình chưa có tiền mua cát trát…”. Tôi hơi ngỡ ngàng, vì trước khi về đây tôi được anh bạn giới thiệu là chị C. làm việc ở Đài Loan qua trung tâm của anh, đều đều tiền gửi về theo quý. Mỗi lần ra chơi trung tâm nơi vợ đi, anh Đ. vui vẻ lắm, lại khoe đang hoàn thiện nhà để đón vợ về…
Thì ra sang bên ấy, chị C. vì thiếu thốn tình cảm, gặp được người đồng hương nơi đất khách quê người, lại nhiễm lối sống phồn hoa của chốn sang giàu, tiền thì chị vẫn gửi về nhưng tình đã trao cho người ta. Chị C. về nước mấy ngày đầu, vợ chồng xa lâu ngày gặp lại mùi mẫn lắm, nhưng chỉ được một dạo thì chị C. dở chứng, có lẽ giờ đây anh chồng khù khờ quê mùa không còn mùi vị hấp dẫn chị nữa, thành thử chị lại “dấm dúi sang sông” với anh đồng hương gặp ở trời “Tây”. Rồi cái gì đến phải đến, anh đi đường anh, ả theo đường ả.
Trường hợp nhà ông H. ở xã Trường Thọ (An Lão) lại vừa bi vừa hài, cũng vì muốn cải thiện cái nghèo mà ông H. đồng ý để vợ đi xuất khẩu lao động. Tiền vợ gửi về không những giúp ông H. trả hết những món nợ cũ mà còn xây được nhà, mua sắm vật dụng không thiếu thứ gì. Nhưng chưa hết hợp đồng ba năm đã thấy vợ gọi về, nói là gia hạn thêm hợp đồng hai năm nữa. Trong thời gian này, tự dưng anh H. thấy cô em vợ chưa chồng đặc biệt chăm chút anh rể và các cháu.
Lúc mưa rồi lúc nắng, cảnh “gà trống nuôi con” có được người chia sẻ, anh H. cảm cái tình của dì lúc nào không biết. Hai năm cũng trôi qua, cho đến một hôm anh H. nhận được thư vợ gửi về, với những lời lẽ thống thiết cầu xin chồng tha thứ, rằng chị không còn xứng với anh từ lâu rồi, giờ mang bệnh nan y không còn sống được bao lâu nữa, anh H. có thương thì lấy dì làm vợ cho con cái sau này đỡ khổ… Anh H. tá hỏa lên Hà Nội, tìm đến cty đưa vợ đi thì người ta trả lời vợ anh đã phá hợp đồng, trốn ra ngoài làm ngay từ năm thứ hai. Giờ đây anh H. nín lặng sống với người vợ lẽ, trên ngôi nhà xây bằng tiền vợ cả gửi về, cũng kể từ ấy hàng xóm cảm thông không hỏi gì đến tin tức người vợ cả, chỉ nghe đồn rằng chị đã chết vì bệnh AIDS.
Cũng ở huyện An Lão, nhiều người chưa quên câu chuyện buồn của chị D. ở xã Trường Thành. Sự thể là chị D. lấy chồng ở Tứ Kỳ (Hải Dương), năm 2003 có một cty về tuyển dụng người đi lao động Đài Loan, khó là họ không tuyển nam giới nên chị bàn với chồng vay tiền ngân hàng quyết đi một chuyến. Được mấy năm chị D. đã gửi về cho chồng con được hai trăm triệu đồng.
Rồi chị D. nghe bạn bè bày kế, điện về nói với chồng làm giấy ly hôn để chị kết hôn giả với một người Đài Loan, có như vậy sẽ được ở nước ngoài lâu hơn. Ly hôn xong, quả nhiên chị ở lại được Đài Loan, nhưng thông qua những người bạn về nước, anh chồng hay tin chị D. không phải làm giả mà là về chung sống thật với ông chồng mới. Giận quá anh chồng bỏ đi lấy vợ khác, được một thời gian chuyện làm giấy tờ giả bên Đài Loan vỡ lở, chị bị trục xuất về nước. Nhưng bao nhiều tài sản chắt chiu ngần ấy năm, giờ lại do người đàn bà khác thừa hưởng. Đau lòng hơn, đứa con gái lớn của chị còn đổ rằng, vì mẹ nó gây ra lỗi trước nên không thèm nhìn mặt mẹ. Mất chồng con, mất của, chị D. khăn gói về nhà mẹ đẻ, được một dạo rồi lại bỏ đi làm ăn ở đâu không rõ.
Nói về những chuyện buồn này, bà Lê Thị Thúy - cán bộ Hội phụ nữ huyện An Lão - cho rằng: “Một phần cũng do anh chị em vốn ở nông thôn ít va chạm, khi đi ra ngoài bị nhiều cám dỗ nên dễ thay đổi, vắng vợ vắng chồng tình cảm đã không được chăm chút, lại bị xung đột về lối sống sau khi một người đi nước ngoài về, nên đổ vỡ cũng không có gì là khó hiểu…”.
GIA LÊ |