Ở trại tạm giam Hải Phòng, số phạm nhân có án tử hình bao giờ cũng đượcquan tâm đặc biệt và cách ly với các phạm nhân khác. Cuộc sống của họcũng rất đặc biệt: lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm. Thường thì họngủ vùi từ 4h hôm trước đến gần trưa ngày hôm sau. Họ chấp nhận để đượcsống những ngày tháng khi đang còn là một con người...
| Một nữ từ tù viết thư cho người thân |
Vui nhộn nhất là các cuộc đánh cờ tướng bằng miệng. 2 tử tội tự sắp quân, tưởng tượng các nước đi với nhau. Cũng lạ, khi các quản giáo lẳng lặng đưa bàn cờ chạy quân theo hai bên đều không thấy sai sót một nước đi nào. Cứ thế họ chơi với nhau cho đến khi một bên nhận thua mới chuyển sang bầy quân chơi lại ván khác. Có những cặp tử tội say cờ, chơi đên vài giờ đồng hồ mới phân thắng bại. Người reo vui khi thắng, người cằn nhằn trách mình đi nước sai. Ai thua nhiều quy hàng ngay, hẹn chơi lại ngày hôm sau.
Đó là cặp chơi cờ tướng, chứ trò chăn kiến của các tử tội mới thấy kỳ công. Khi gặp người thân, họ tận dụng vỏ hộp nhựa nhỏ xíu dùng để đựng cúc áo, sữa chua xin cán bộ cầm vào dùng để nuôi kiến. Lúc buồn, họ vẽ vòng tròn thả kiến ra chơi. Lấy nước bọt hoặc móng tay vẽ vòng tròn thả kiến vào đó rồi dùng ngón tay không cho con nào trốn chạy khỏi vòng quản lý. Các chú kiến cứ cuống cuồng chạy vòng quanh mà không sao trốn nổi khỏi vòng cương toả làm các tử tù bật cười khoái chí.
Khi đầu chơi thả 1 con, sau rồi thả vài con, họ không quản lý nổi đành chấp nhận thua trong trò chơi chăn kiến. Khoái nhất phải nói đến trò bắn các con vật trên tường, trần phòng giam. Họ nhai những mẩu giấy vụn với cơm nguội tạo ra những viên rất nhỏ để nhằm thổi vào thạch sùng, muỗi, hoặc bất cứ con vật nhỏ nào đang đậu trên tường, cả khi đang bay. Họ thổi rất giỏi, gần như trúng hết.
Những trò chơi vặt vãnh ấy cốt yếu để giết thời gian quá căng thẳng đôi với các tử tội. Thường thì họ hay viết nhật ký, viết thư tình cho những người yêu thương thân thiết nhất. Khi họ phải đi thi hành án, dọn phòng và nếu người không biết về nguồn gốc thì không thể tin rằng những lá thư tình không gửi của người bị kết án tử hình sao mà cảm động đến thế. Có lẽ trong lúc này họ đã suy nghĩ chắc chắn hơn, sâu sắc hơn và chân thật hơn.
Có phạm nhân vợ sắp đến ngày sinh, họ viết thư cho con như là con đã lớn tuổi, dặn dò, trông nom đỡ đần mẹ thay bố. Phải chăng trong sâu thẳm của con người họ đã ý thức được tội lỗi mà họ gây ra và muốn con lớn lên trở thành người lương thiện, chứ đừng như bố!? Có điều những lá thư này đều viết dặn lại các quản giáo chỉ chuyển cho vợ và khi con họ đã đủ lớn khôn. Nhiều nhất là những bài thơ, thơ về ngày sinh nhật của mẹ, của bố, của chính bản thân họ và những người họ thương yêu.
Tử tù V. do mâu thuẫn gia đình đã sát hại chính ông nội, bác dâu và anh chị con bác ruột trong ngày sinh nhật. V. khóc rất nhiều, mặc dù vốn được coi là có “máu lạnh” nhất trong đám tử tù. Khi hỏi ngày sinh nhật sao lại khóc? V. bảo, nhớ ông nội và ân hận lắm vì đêm qua ông về ru ngủ và càng nhớ ngày khi còn cha mẹ bên cạnh mà thấy tủi thân. Lúc quản giáo trích xuất ra ngoài làm việc, nghe những tâm sự của V. về hoàn cảnh trước khi phạm tội, V. kể với giọng vẻ bất cần, nhưng nghe kỹ lại đầy tình cảm và nỗi u uất.
Tuổi thơ của V. sống trong cảnh bố mất sớm, mẹ bỏ đi, để lại V. sống một mình trong căn nhà hoang lạnh gần ông nội và bác ruột. Ít được quan tâm, vỗ về nên V. sống tuỳ thích, có thì ăn, không có thì nhịn, chủ yếu lang thang với lũ bạn bè và trông chờ vào mẹ sẽ quay trở về chăm sóc. Chờ đợi mãi không thấy tin tức mẹ làm V. mất phương hướng trong cuộc sống. Thế rồi chẳng hiểu thế nào V. không còn là con người nữa và đã ra tay sát hại những người thân của mình. Tội của V. trăm lần phải chết chẳng dám trách một ai. Đến hôm đi thi hành án, V. vẫn nhắn nhủ lại với các cán bộ nhớ gửi những lá thư giúp V. đến những người thân còn lại và ngàn lần xin lỗi trước khi vĩnh biệt mọi người.
Trong khu giam, đến ngày sinh nhật của tử tủ nào, quản giáo cũng có nương nhẹ hơn, khen nhiều hơn nhắc nhở. Các phạm nhân khác nhờ quản giáo gửi quà chúc mừng, các cán bộ cũng dễ tính hơn, sau khi kiểm tra kỹ và cho nhận quà. Buổi tối thế nào khu giam cũng ồn ào vì họ hát bài Happy Birthday. Ở khu buồng giam này, họ có tài là tích trữ và biến tất cả cái vớ vẩn nhất thành những vật dụng phục vụ cho cuộc sống buồn tẻ của họ. Từ mảnh giấy báo, sợi tóc, ca cốc nhựa hỏng đều được biến thành những vật dụng trông rất nghệ thuật. Họ gấp nhiều hạc giấy và ngồi bất động nhìn vào đó. Dường như họ đang hy vọng được sống với những con vật mà họ tạo ra thêm nhiều thời gian hơn nữa.
Khu giam tử hình các tử tội còn dạy nhau nhiều thứ, trong đó có lớp dạy nghề đan lát. Túi ninon dùng sợi chỉ rút từ áo cắt ra thành những dải, sau đó buộc vào chân cùm và dùng khăn mặt vuốt nhiều lần cho đến khi dải ninon đó thành các sợi nhỏ tùy theo vật dụng cần đan lát. Một phạm nhân dạy cho người của buồng bên cạnh các nút đan, sau đó người vừa được các nút lại tiếp tục dạy buồng bên. Cứ như thế, họ đan các loại con giống theo ý thích, từ hạc đến chim chóc, các con giống và vật dụng trang trí khác như hình trái tim…
Trong trại giam, dao cạo là vật cấm rất nghiêm ngặt, nhưng râu của các phạm nhân không có. Số phạm nhân này dùng hai sợi chỉ ngoắc vào hai ngón tay cắt chéo vào da cằm và giật, chỉ một loáng trên cằm không còn sợi râu nào. Thông tin bí mật của số này là gõ tín hiệu moóc, nếu phát hiện quản giáo hay Ban giám thị kiểm tra hoặc đã đi khỏi khu vực có tín hiệu khác nhau. Khi có phạm nhân có án tử hình mới nhập buồng đều tự trình bày khai báo với “anh em” tử tội cũ về hành vi, tội trạng của mình.
Mỗi khi có phạm nhân hôm sau đi tòa xử phúc thẩm, đám tử tù với nhau cũng tổ chức phiên tòa mẫu, có đầy đủ thành phần: từ thẩm phán, công tố, luật sư…, phạm nhân phải khai báo như trên tòa thật. Số phạm nhân được đóng các vai thẩm vấn và góp ý việc khai báo cho phạm nhân kia, nếu chưa đạt phải làm lại cho đến khi thành thục. Đến tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình thì phải gặp ngay quản giáo cũng như bàn bạc với nhau để quyết định viết đơn lên Chủ tịch nước xin tha tội chết…
Có điều rất lạ, mặc dù bị cùm chân và phải đi xiềng suốt thời gian chờ thi hành án, nhưng không bao giờ số này bị lở loét hoặc teo cơ do ít vận động. Có thể số này chịu ngồi thiền, ngồi yên có lúc đến hai hoặc ba giờ. Quản giáo thấy yên lặng vào kiểm tra mà họ vẫn ngồi không biết. Phạm nhân này dạy phạm nhân kia cách tập thiền một rất bài bản và phong cấp ngồi thiền cho nhau và nhờ quản giáo làm trọng tài thời gian cho họ.
Trong khu giam tử hình, khi số này nói chuyện hoặc gọi nhau rất la, nếu ai không quen khi nghe rất sợ. Nó kéo dài và đầy âm khí như ở chỗ xa xôi vọng lại, chỉ như vậy mới nghe được vì người Pháp khi xây khu này đã dùng kỹ thuật “sảm sần” để triệt tiêu âm thanh theo chủ ý. Cũng vì như vậy có chuyện ở bên ngoài nói vài phút thì xong, nhưng số phạm nhân này phải goi nhau kéo dài, phải chăng nó là một trong những nguyên nhân gây ra stress của anh em quản giáo?
Trong khu giam phạm nhân nữ có án tử hình - họ thường là số cầm đầu các đường dây buôn bán ma túy lớn. Phụ nữ ở đâu cũng vậy, họ có thể cãi vã nhau từ những chuyện rất vặt vãnh, từ chuyện quà của gia đình người này ngon hơn, hoặc gửi nhiều hơn, đến chuyện đi cung hoặc gặp luật sư hay người nhà cũng là chuyện mà họ đem ra kể và lại cũng có thể va chạm.
Số phạm nhân nữ này mặc dù bị mức án cao nhất nhưng họ không quên được bản năng và thói quen trang điểm hàng ngày. Cũng son phấn, đồ dùng cá nhân đẹp hơn, phòng giam của họ cũng sạch sẽ và thơm tho hơn vì họ dùng xà phòng và dầu thơm nhiều. Số này thường béo và trắng hơn khi mới tạm giam. Có lẽ do cuộc sống và hành vi phạm tội ở bên ngoài xã hội căng thẳng, khi bị bắt và kết án họ an bài với số phận. Trông coi số này thường phức tạp hơn nhiều do là phụ nữ, tính khí thất thường, hay nổi đóa cáu gắt, đập phá rồi sau đó lại ngồi khóc hàng giờ mà chẳng có lý do gì. Lúc hứng lên họ lại tự đóng tất cả các vai và độc thoại như những nhân vật nào đó trong một câu chuyện hoặc bộ phim mà họ thích. Khi tự diễn xong, các phạm nhân khác vỗ tay tán thưởng buồn cười đến chảy nước mắt.
Trong mọi diễn biến tâm lý, tất cả số tử tội sợ nhất là trong tháng vi phạm kỷ luật phòng giam bị cắt gặp mặt người thân. Khi vi phạm không được gặp mặt, ho thường năn nỉ xin lỗi hết quản giáo đến Ban giám thị, trình bày nỉ non, ngoan ngoãn, khép nép với tất cả, kể cả với số phạm nhân phục vụ. Có phạm nhân khi được gặp gia đình thì xin lỗi mọi người và có khi còn quỳ chân vái sống người thân và xin được tha thứ. Được gặp mặt thân nhân, về buồng giam họ kể chuyện gia đình suốt đêm, kể chuyện con cái, khoe ảnh hoặc đọc to thư của gia đình gửi cho tất cả cùng nghe.
Số phạm nhân có mức án tử hình ở khu giam riêng có cảm giác đặc biệt về thời gian, không coi đồng hồ nhưng họ đoán được giờ giấc một cách chính xác, biết rõ từng quản giáo đi ca qua tiếng động bước chân, thậm chí còn biết chính xác tiếng bước chân của giám thị hoặc phó giám thị. Khi nghe bước chân của ai, họ còn gọi đúng tên, hỏi thăm hoặc yêu sách và đòi xin gặp bằng được. Ngay cả lúc Ban giám thị vào kiểm tra, có tử tội còn hỏi Ban mới đi công tác về à? Hỏi tại sao lại hỏi thế? Thì các tử tội đều trả lời vì lâu không thấy Ban ở Trại, không nghe thấy tiếng chân đi kiểm tra.
Chuyện của họ còn nhiều. Giá như ngày trước họ sống chân thật, biết tôn trọng pháp luật và đừng bao giờ gây ra tội ác tầy đình để phải đánh đổi cả cuộc đời mình cho sự “ra đi” mãi mãi không bao giờ sửa chữa được, dù trăm ngàn lần sám hối. Tất cả đều đã muộn...
ĐỊA LAN |