Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn Kỳ II: Đồng bộ các giải pháp, khắc phục rào cản

10:18 28/11/2022

Bên cạnh những thành quả khả quan đã gặt hái, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, bất cập nhất định. Những “rào cản” này cần được tập trung tháo gỡ.

“Rào cản” của chuyển đổi số

Theo đánh giá tổng hợp của Văn phòng Bộ NN&PTNT, quá trình triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đang tồn tại một số bất cập mang tính “cố hữu” như: Không đồng bộ; khá manh mún, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số doanh nghiệp, địa phương và dường như vẫn làm theo tư duy cũ, chưa có chuỗi kết nối, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ các “rào cản” do việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam khá mới mẻ và nhận thức của phần lớn các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân còn rất hạn chế. Hầu hết các chủ thể dường như chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng cũng như áp lực phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng.

Đáng chú ý, để thực hiện chuyển đổi số trong ngành đòi hỏi phải có hạ tầng số hiện đại và hệ thống dữ liệu từ cây trồng, vật nuôi đến các văn bản chính sách phải được số hóa đồng bộ. Trong khi đó, tình trạng hạ tầng công nghệ số ngành nông nghiệp nước ta còn lạc hậu, chi phí cao, chắp vá…

Các dữ liệu để tích hợp, chia sẻ hầu như chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp. Riêng hệ thống dữ liệu của Bộ NN&PTNT chưa tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số do thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu minh bạch xuất xứ sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logicstic đến thương mại nông sản. “Rào cản” này được đánh giá là trở ngại lớn nhất cho công nghệ số ngành nông nghiệp Việt Nam những năm tiếp theo.

Các đại biểu tại điểm cầu Hải Phòng dự họp trực tuyến về chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thêm vào đó, chi phí 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội thuận lợi cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử khi trình độ nông dân - đội ngũ lao động trực tiếp đưa công nghệ số vào sản xuất còn thấp. Hầu hết nông dân chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên gặp khó khăn trong thao tác cũng như đánh giá hiệu quả.

Ngoài ra còn phải kể đến cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp còn chưa phù hợp, chưa kịp thời. Chính thực tế trên vô hình chung đã gây khó khăn trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để từng bước khắc phục những rào cản kể trên, ngành nông nghiệp đã xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, toàn Ngành sẽ ưu tiên nguồn lực phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Trước hết là chuyển đổi trong nhận thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nông nghiệp và người nông dân; ưu tiên chuyển đổi số đối với các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực theo các vùng, miền và địa phương; tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nông hộ và người nông dân; đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người nông dân sử dụng các dịch vụ số, khai thác các thông tin số phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; triển khai hệ thống bồi dưỡng năng lực số, năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ nữa là đào tạo chuyên gia, cán bộ chuyên môn có trình độ cao về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông nghiệp thông minh; đào tạo, dạy nghề đội ngũ nhân lực, người nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo làm việc được và phù hợp với các mô hình nông nghiệp số hiện đại, thông minh.

Tiếp đến là kiến tạo thể chế, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong quản lý nông nghiệp theo hướng tiện lợi cho người nông dân và giúp ứng dụng dễ dàng, hiệu quả công nghệ số vào nông nghiệp, nông thôn. Cuối cùng là phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, xây dựng nền tảng số dùng chung đảm bảo tính kết nối, phù hợp với đặc trưng của các tỉnh, thành phố và các vùng nông nghiệp.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng kiểm tra thực tế, nghiệm thu mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn giống gia cầm theo VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Quốc Tuấn (An Dương)

Các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tiếp theo là xây dựng Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước ngành NN&PTNT; phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Đáng chú ý, để triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn số, nông dân số, toàn Ngành sẽ tập trung triển khai mô hình làng chuyển đổi số, xã chuyển đổi số. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phù hợp với Chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

Song song là việc phổ cập kỹ năng số cho người nông dân, các cán bộ của HTX nông nghiệp và các chủ thể có sản phẩm OCOP theo hướng tuyên truyền, phổ biến qua phương tiện truyền thông cơ sở, hệ thống Hội Nông dân các cấp; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi số trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia vào phát triển kinh tế số, xã hội số…

Và một giải pháp không thể không kể đến là đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực chuyên ngành thông qua các hoạt động xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tin học hoá các quy trình nghiệp vụ quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn đảm bảo liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu.

Đơn cử như xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý lĩnh vực lâm nghiệp sẽ phục vụ công tác quản lý, giám sát rừng, diễn biến rừng, tài nguyên rừng; quan trắc cảnh bảo phòng chống cháy rừng; quản lý đất đai lâm nghiệp; quản lý, giám sát đa dạng sinh học trong các khu rừng đặc dụng; cấp và quản lý chứng chỉ rừng.

Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý lĩnh vực trồng trọt sẽ phục vụ công tác quản lý mã vùng trồng; quan trắc giám sát dự báo khí hậu, môi trường đất, nước; quản lý đất trồng trọt, giống cây trồng; xây dựng quy trình kỹ thuật số canh tác, thu hoạch, chế biến; ứng dụng công nghệ IoT và AI trong canh tác. Đồng thời đó còn là cơ sở có thể dự báo năng suất, sản lượng, mùa vụ; xây dựng sổ tay điện tử cho một số cây trồng chủ lực; thực hiện chuyển đổi số đồng bộ cho các ngành hàng trồng trọt chủ lực theo vùng, miền.

Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý lĩnh vực chăn nuôi sẽ đáp ứng tốt công tác quản lý cơ sở chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi; cơ sở giết mổ và chế biến gia súc gia cầm; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thị trường sản phẩm chăn nuôi, dữ liệu về KHCN trong chăn nuôi. Đây cũng là những dữ liệu quan trọng để thiết lập hệ thống quản lý, cấp phép cơ sở chăn nuôi, giết mổ; xây dựng quy trình kỹ thuật số trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến; chuyển đổi số đồng bộ cho các ngành hàng chăn nuôi chủ lực…

(còn nữa)

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông