Chuyên mục “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”: Điều khoản thi hành Luật Cư trú năm 2020

20:06 05/05/2022

Điều 38, Chương VII, Luật Cư trú năm 2020 quy định cụ thể điều khoản thi hành Luật như sau:

Một: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Hai: Luật Cư trú số 81/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Ba: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Bốn: Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính”.

Như vậy, Luật Cư trú năm 2020 giao trách nhiệm cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay; vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Để phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 có thể được thực hiện thì cần phải đáp ứng ít nhất là 2 điều kiện cơ bản sau đây:

(1) Phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân và (2) Tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của Luật (cơ quan Công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Bên cạnh đó, việc cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục, khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành thì việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp trước đây thay cho việc phải đến cơ quan Công an để xin cấp Giấy tờ xác nhận về cư trú như quy định của Luật này khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự tại những nơi chưa thực hiện được việc kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một giải pháp phù hợp và khả thi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và người dân.

Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân. Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Như vậy, kể từ ngày 1-7-2021, nếu cần sử dụng thông tin về cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự, công dân có thể có thể khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ nhu cầu của mình.

Vừa qua, Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung quy định công dân có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng các cách sau:

(1) Qua dịch vụ nhắn tin;

(2) qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

(3) qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc (4) yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp thông tin (bằng văn bản).

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích