Những năm trở lại đây, lực lượng CATP phải đối mặt với đối tượng hết sứcnguy hiểm - đó là những tội phạm nghiện ma túy đã nhiễm HIV/AIDS. Tronglúc vật lộn với tội phạm, không ít cảnh sát bị trầy xước, cơ thể bị dính máu có HIV. Do đó, các chiến sỹ công an phải điều trị phơi nhiễm đang tăng lên từng ngày...
| Thiếu tá Cường (ngồi giữa) triển khai nhiệm vụ mới cho tổ công tác |
Quên mình bắt tội phạm
Trong công việc của những trinh sát ma túy và cảnh sát khu vực, hầu như đều phải thường xuyên tiếp xúc với đối tượng nghiện có HIV. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là trách nhiệm không thể từ nan nên các CBCS thực hiện nhiệm vụ truy bắt tội phạm đều không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Trong khoảnh khắc nhiều khi chỉ còn tính bằng giây khi đối mặt với tội phạm, các anh chỉ còn biết tính toán làm sao để tóm được chúng một cách nhanh nhất mà không đủ thời gian suy tính cho bản thân. Do vậy, khi tội phạm đã tra tay vào còng số 8, thì những chiến sỹ công an mới phát hiện mình đã bị dính máu HIV của đối tượng...
Câu chuyện của đại úy Ngô Văn Quyết, Phó trưởng CA phường Trần Thành Ngọ, Kiến An, kể về tình huống bị phơi nhiễm HIV như một kỷ niệm nghề nghiệp, làm chúng tôi không khỏi xúc động. Có lẽ đã lấy lại được tinh thần sau 1 tháng uống thuốc chống phơi nhiễm HIV nên khi tiếp xúc với chúng tôi, anh Quyết đã rất tự tin: “Sau khi nhận sự chỉ đạo của cấp trên về tăng cường lực lượng tấn công, truy quét, thu gom các đối tượng nghiện, ma túy, góp phần làm trong sạch địa bàn, 6h ngày 16-6-2010, tôi cùng tổ công tác gồm 5 CBCS có mặt tại địa bàn.
Lúc đó xuất hiện 3 thanh niên đang lang thang trên đường Tây Sơn, trong đó có Phạm Văn Trọng, sinh 1986, ở tổ 8, phường Trần Thành Ngo, là đối tượng có thâm niên nghiện ma túy đã nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS và đang điều trị ARV tại BV Kiến An. Gặp tổ công tác, Trọng biết chắc rằng sẽ bị “tóm” đã nhanh chân chạy lên đồi Thiên Văn hòng thoát thân. Ngay lúc đó, tôi cùng đồng đội lao tới, mặc dù trên tay đối tượng đang lăm lăm bơm kim tiêm dính máu vừa chích ma túy để tự vệ...”.
Biết mười mươi đối tượng đã nhiễm HIV, nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, quên mình để hoàn thành nhiệm vụ, anh Quyết cùng tổ công tác đã xông tới khống chế đối tượng. Trong lúc vật lộn, đối tượng này chống trả quyết liệt, đâm sâu bơm tiêm có HIV vào tay anh Quyết. Khi đưa đối tượng về trụ sở CA phường, anh mới giật mình vì vừa đổ máu với một kẻ có HIV. Gặp lại thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng CA phường Đồng Quốc Bình sau hơn 1 tháng điều trị phơi nhiễm HIV, chúng tôi thấy anh gầy đi nhiều. Khuôn mặt vẫn còn hốc hác, mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc. Ở cương vị của một người chỉ huy, lúc nào anh cũng hăng say, tận tụy với công việc.
Ngày 26-6-2010, anh Cường nhận nhiệm vụ cùng CBCS CA phường cưỡng chế đối tượng trở lại Trung tâm lao động xã hội số 2. Nhận được tin báo đối tượng Nguyễn Văn Mạnh, sinh 1976, ở số 24-D11 Đồng Quốc Bình (là con nghiện ma túy đã nhiễm HIV) đang có mặt tại nhà mẹ đẻ ở Tân Dân, An Lão, anh Cường cùng tổ công tác 7 đồng chí gồm CA phường và xã Tân Dân vây bắt đối tượng. Bị động, nhanh như cắt, đối tượng vụt lên gác 2, dùng dao lam rạch sâu vào cánh tay đối phó hòng chạy thoát.
Máu có HIV của tên Mạnh vọt thành tia, bắn tung tóe như gà bị cắt tiết, đã làm 7 cảnh sát ai cũng vấy máu. Riêng tay anh Cường có vết thương hở do tấn công tội phạm từ ngày hôm trước nên bị dính vi rút HIV từ người tên Mạnh. Sau khi lập biên bản bàn giao đối tượng cho gia đình quản lý, anh Cường nhanh chóng xử lý vết thương hở bằng xà phòng, cồn để sát khuẩn. Nhưng trước nguy cơ phơi nhiễm HIV, anh phải đến Bệnh xá CA để được điều trị ARV kịp thời.
Anh Cường nói: “Đối với người lính hình sự phường phải trực tiếp tác nghiệp tại cơ sở, nên việc bị phơi nhiễm HIV đối với mình chỉ là chuyện nhỏ. Từ ngày bị phơi nhiễm, mình sợ nhất là ngày nghỉ. Cũng may công tác tại phường, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chẳng có thời gian rảnh. Mình đã đi xét nghiệm máu 2 lần và rất vui đều cho kết quả âm tính...”. Anh nở nụ cười hiền: “Nếu chẳng may mình có dính “ết” thật thì cũng chỉ là rủi ro nghề nghiệp, vì nhân dân phục vụ...”.
Cảnh sát phơi nhiễm HIV ngày càng tăng
Ở một thành phố có trên 8.000 người nghiện và nghi nghiện, trong đó có 80% tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV cao, đồng nghĩa với việc nguy cơ phơi nhiễm của cảnh sát khi đối mặt với tội phạm ma túy và “lâm nạn” trong khi làm nhiệm vụ càng cao. Từng ngày, từng giời qua đi, trên trận tuyến phòng, chống tội phạm của thành phố cảng đã có nhiều tấm gương điển hình say bắt tội phạm mà quên mất mình. Các anh thật xứng đáng biểu dương, động viên, khen thưởng và được nhân dân tin yêu, nể phục...
Chúng tôi không khỏi giật mình khi lật lại những hồ sơ, bệnh án của những bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV đã và đang điều trị thuốc chống phơi nhiễm HIV tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP bởi có đến trên 90% bệnh nhân thuộc lực lượng công an TP. Theo thống kê từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã cấp thuốc chống phơi nhiễm theo phác đồ của Bộ Y tế cho 41 CBCS chủ yếu là cảnh sát khu vực. Một con số vô cùng nhức nhối, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2010, tại các quận, huyện đã có 11 CBCS phải điều trị phơi nhiễm HIV. Điều đó phản ánh cuộc chiến với tội phạm có HIV trên địa bàn TP còn hết sức cam go, gian nan và nguy hiểm.
Nếu như trong bệnh viện, đội ngũ bác sỹ, y tá đeo găng tay, đeo kính, đội mũ khi tiếp xúc với các bệnh nhân AIDS, thì khi đánh bắt tội phạm có HIV, cảnh sát khó mà làm được điều đó, do đặc thù nghề nghiệp. Đối mặt với nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm HIV cao, nhiều lúc tinh thần ở trạng thái căng thẳng, nhưng những cảnh sát bị phơi nhiễm HIV không được quỵ ngã hoặc đầu hàng bởi sau lưng họ còn có vợ, con, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Không ít chiến sỹ công an phải âm thầm chịu đựng khi bị phơi nhiễm, không dám tiết lộ cho người thân bởi sợ mọi người lo lắng.
Qua tiếp xúc với những CBCS bị phơi nhiễm HIV, điều chúng tôi cảm nhận được là hầu như tất cả chẳng ai nghĩ về mình mà chỉ lo làm sao giữ cho người thân của mình được an toàn, mạnh khỏe. Các anh cảm thấy rất khó nghĩ và khổ tâm nhất là trong quá trình điều trị ARV và thời gian sau nữa phải tạm “quay lưng” lại với vợ, con, người yêu.
Thượng úy Lê Đình Nghiêm, cảnh sát khu vực phường Trần Thành Ngo, bị tội phạm nhiễm HIV gây thương tích, đang điều trị phơi nhiễm HIV, tâm sự: “Năm nay, tôi có dự định cưới vợ, nhưng có lẽ việc lớn này phải đành gác lại, để đến khi nào thực sự yên tâm mới thực hiện được...”.
Theo ông Vũ Văn Công, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP, cảnh sát bị tội phạm có HIV ngày càng tăng, nếu không đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, điều trị phơi nhiễm HIV kịp thời thì tỷ lệ lây nhiễm HIV là điều khó tránh khỏi. Nhiều trường hợp CBCS công an nhiễm sau khi bị phơi nhiễm HIV rất hoang mang, lo lắng nên cần được hỗ trợ về tâm lý và được tư vấn điều trị dự phòng kịp thời.
Trước hết, người bị tổn thương da chảy máu cần xối ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong thời gian ngắn, không nắn bóp vết thương sau đó rửa bằng xà phòng và nước sạch. Đối với trường hợp cảnh sát bị phơi nhiễm qua niêm mạc mắt cần rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối Nacl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu bị phơi nhiễm qua miệng, mũi cần súc miệng, rửa mũi bằng dung dịch Nacl 0,9% nhiều lần.
Bệnh nhân cần được điều trị thuốc ARV càng sớm càng tốt từ 2-6 giờ và trước 72 giờ sau khi phơi nhiễm. Một liều điều trị chống phơi nhiễm là 4 tuần, sau đó bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu, chức năng gan khi bắt đầu điều trị và sau 4 tuần, khi dừng thuốc, bệnh nhân làm xét nghiệm máu 3 lần: 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng để khẳng định kết quả đối với vi rút HIV.
HỒNG HẢI |