Chuyện thời cuộc: Tháng “uống nước, nhớ nguồn”

18:25 04/07/2022

Hàng năm cứ đến tháng 7, dù bận trăm công nghìn việc nhưng người dân cả nước luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt để tri ân các Thương binh, Liệt sỹ, đã cống hiến vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Tháng 7 năm nay dường như đặc biệt hơn, khi chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022).

Đền Cầu Nhe (Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi tưởng niệm 53 liệt sỹ Hải Phòng hy sinh ngày 15/4/1968

          Đầu tháng 7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một cuộc họp quan trọng được tổ chức, bàn về thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn Ngày kỷ niệm Thương binh, Liệt sĩ. Ngày 27/7 hàng năm đã được ấn định, để toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tri ân Thương binh, Liệt sỹ.

          Nhân dịp này, Hồ Chủ tịch viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.

        Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”.

          Suốt lịch sử 77 năm kể từ ngày khai sinh nước Việt Nam mới 2/9/1945, đất nước ta đã trải qua những cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ. Theo thống kê, cả nước có hơn 1,2 triệu Liệt sỹ và hàng triệu Thương binh, nhưng dường như ai cũng hiểu rằng con số này khó đạt được chính xác, bởi do điều kiện chiến tranh, còn nhiều người vô danh, không ít người chịu thiệt thòi chưa được xác định.

       Kể cả giờ đây, khi chiến tranh đã lùi rất xa, nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn cập nhật thông tin về các hoạt động tìm mộ Liệt sỹ, và tiếp tục ghi công những Thương binh, người có công với nước. Hồ sơ về Thương binh, Liệt sỹ chưa thể khép lại, mới thấy sự khốc liệt của di chứng chiến tranh.

Đoàn đại biểu Hải Phòng dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sỹ Hải Phòng tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam (ảnh tư liệu)

          Nhưng có một hiện thực không thể phủ nhận, đó là trong suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác Thương binh, Liệt sỹ, người có công với cách mạng. Hiện thực ấy đã thấm đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trở thành một hiện tượng đặc biệt mà khó có quốc gia nào trên thế giới làm được điều này.

         Để mỗi tháng 7 về, không riêng hệ thống chính trị, mà người người, nhà nhà cho đến các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đều hướng đến các hoạt động tri ân, thể hiện tinh thần “uống nước, nhớ nguồn – đền ơn đáp nghĩa” đầy nhân văn của truyền thống Việt Nam.

          Những ngày tháng 7, dù nắng trời bốc lửa, làm cháy bỏng những vùng cát trắng, nhưng từ khắp mọi miền Tổ quốc, những đoàn xe, đoàn người vẫn đội nắng đổ về miền Trung, mong muốn được thắp nén hương tri ân ở Nghĩa trang Trường Sơn, biểu tượng tiêu biểu nhất sự hy sinh quả cảm của những anh hùng Liệt sỹ.

          Hành động ấy thực sự thành tâm xuất phát từ thăm thẳm nghĩa tình của người Việt Nam. Âu đó cũng chính là hình ảnh vĩ đại của tinh thần cách mạng, của niềm tự hào dân tộc Việt Nam.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông