Có nguy cơ khủng hoảng lương thực cuối năm 2011

16:15 14/01/2011

Ngày 12-1, LHQ lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới có thể xảy ra vào cuối năm 2011.
Ngày 12-1, LHQ lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới có thể xảy ra vào cuối năm 2011.

Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cảnh báo giá lương thực trên thế giới sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2011 và nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007 - 2008 đã xuất hiện ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo thống kê, chỉ số giá trong "rổ" nông sản gồm ngũ cốc, hạt có dầu, sữa, thịt và đường đã tăng cao trong 6 tháng liên tiếp. Bạo loạn đã xảy ra ở 30 nước trên thế giới trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 và nay tình trạng này lại tái diễn ở một số nước châu Phi như Algeria, Mozambique...

Các chuyên gia của FAO nhấn mạnh thế giới đã đi vào "vùng nguy hiểm" của một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lũ lụt nghiêm trọng đang tàn phá Australia, nước xuất khẩu lương thực thứ 4 thế giới. Bên cạnh đó, một phần lớn sản lượng lương thực thế giới đang được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, trong khi thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm nghiêm trọng sản lượng lúa mỳ ở Nga và Đông Âu.

Tại Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới, đợt nắng nóng và khô hạn tồi tệ nhất hồi giữa năm 2010 đã phá hủy những cánh đồng lúa mì có diện tích tương đương với diện tích của Bồ Đào Nha. Sản lượng lúa mì của Nga trong năm 2010 chỉ đạt 79,8 triệu tấn, với 97,1 triệu tấn năm ngoái.

Trong khi đó, các nước như Ấn Độ và nhiều nước Đông và Nam Á khác đang phải đối phó với lạm phát 2 chữ số, chủ yếu do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Giá lương thực tăng đã buộc nhiều nước Mỹ Latinh phải giảm trợ cấp lương thực do thâm hụt tài chính tăng nhanh.

FAO cũng nói rằng số tiền nhập khẩu lương thực toàn cầu đang tiến tới ngưỡng 1.000 tỷ USD và nếu vượt ngưỡng này, giá lương thực sẽ trở lại mức đỉnh cao kỷ lục lập năm 2008. Tác động ngắn hạn của giá lương thực tăng cao không chỉ tác động đến các nước nghèo với cộng đồng dân cư bị đẩy xuống cảnh cùng khổ mà còn tác động bất lợi đến tiến độ phục hồi kinh tế toàn cầu do lạm phát cao và sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh ở nhiều nước phát triển.

Các chuyên gia kinh tế - xã hội đều cảnh báo giá lương thực toàn cầu tăng cao là lời thức tỉnh mọi người phải hành động để tránh cuộc khủng hoảng lương thực mới có thể sẽ đẩy thêm hàng triệu người nghèo của thế giới vào tình trạng đói nghèo hơn. Họ đề xuất thành lập một hệ thống dự trữ ngũ cốc chia sẻ toàn cầu để có thể giúp người nghèo ở cả nước giàu và nước nghèo, và để hệ thống này hoạt động cần có một nhóm quốc tế giám sát và quyết định thời điểm tung ra kho dự trữ cũng như số lượng lương thực cần đưa ra cứu trợ.


Trong báo cáo "Hiện trạng mất an ninh lương thực thế giới năm 2010" công bố ngày 6-10, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết 166 triệu người tại 22 nước đang phải sống trong cảnh đói ăn triền miên và đây là hậu quả của các cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài, trong đó có Afghanistan, Haiti, Iraq, Somalia, Sudan, Angola, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo, Triều Tiên, congo, Eritrea, Ethiopia, Guinea, Cote d' Ivoire, Kenia, Liberia, Sierra Leone, Tajikistan, Uganda và Zimbabwe.




VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông