10:01 22/05/2020 Sáng 19-5, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng năm 2019 đã ghi danh Quảng Ninh dẫn đầu cả hai bộ chỉ số.
Quảng Ninh được chọn là một trong 3 địa phương làm điểm về kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: CTV
Dấu ấn năm 2019
Theo kết quả được công bố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu 17 bộ, ngành về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) 2019 của các bộ, ngành, đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ GTVT; Quảng Ninh đứng đầu các tỉnh, thành phố về PAR INDEX 2019 của cả nước, cuối cùng là tỉnh Bến Tre.
Kết quả cụ thể, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả PAR INDEX đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 84,64%. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả PAR INDEX đạt 84,43%, tăng 0,72%. Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về thành phố Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính những năm gần đây.
Kết quả CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình là 81,15%, cao nhất trong 4 năm gần đây. Khoảng cách chỉ số CCHC của tỉnh cao nhất là Quảng Ninh (90,09%) với tỉnh thấp nhất là Bến Tre (73,87%) là 16,22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước, 62 tỉnh, thành phố có điểm đánh giá tăng so với năm 2018. Khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là 2 vùng có giá trị trung bình cao nhất, lần lượt đạt 82,95% và 82,02%, tiếp theo đó là khu vực trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Kết quả cho thấy, 2019 là năm có nhiều chuyển biến tích cực, có sự bứt phá ngoạn mục của một số nội dung CCHC trong triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, năm thứ 8 triển khai, PAR INDEX tiếp tục được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chỉ đạo, điều hành và kết quả CCHC trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng. Năm thứ ba SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc, SIPAS 2019 tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hành trình phát triển đột phá
Từ năm 2012, Quảng Ninh bắt tay vào triển khai Dự án Xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Trong đó, dấu ấn đầu tiên của sự đột phá, tiên phong chính là việc từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, 13 địa phương và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại tại các xã, phường, thị trấn để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28-10-2015.
Đến nay, đã có tổng số hơn 1.400 TTHC được đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Gần 100% TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; 22 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sử dụng con dấu thứ 2 tại trung tâm để giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ”. Với mô hình đột phá này, thời gian giải quyết TTHC tại Quảng Ninh được cắt giảm trung bình 40-60% so với thời gian quy định của Trung ương; thời gian giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%, trong đó trước hạn đạt 25,7%, chỉ có 0,01% hồ sơ bị quá hạn.
Quảng Ninh cũng hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, như: tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ; các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC như thu phí, lệ phí ngay tại trung tâm; tổng đài 1900558826 hỗ trợ giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân được kết nối từ tổng đài Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với các đầu số hỗ trợ từ 13 trung tâm hành chính công địa phương; TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 85% ở cấp tỉnh và 73% ở cấp huyện...
Đáng chú ý, Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong trên cả nước trong việc quy định áp dụng chữ ký số trong trả kết quả giải quyết TTHC dưới dạng văn bản điện tử tại trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. Quảng Ninh cũng nằm trong số ít các địa phương đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp. Tính đến ngày 18-5, Quảng Ninh đã trao đổi 8.679.125 văn bản điện tử giữa 713 đơn vị trên địa bàn...
Chỉ trong 5 năm, chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh đã tăng 22 bậc, từ chỗ xếp thứ 19 vào năm 2012 và thứ 23 vào năm 2013 đến vị trí quán quân trong 2 năm liên tiếp 2017-2018.
Triển khai đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh (SIPAS) giai đoạn 2018-2020 đến năm 2019, cùng với 20/20 sở, ban, ngành, 14/14 địa phương, lần đầu tiên tỉnh công bố kết quả SIPAS 2018 đối với 3/6 cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh thực hiện tích hợp điểm SIPAS vào kết quả đánh giá PAR Index. Với những cố gắng, nỗ lực đã thực hiện thời gian qua, Quảng Ninh tự tin sẽ tiếp tục giữ vững quán quân PAR INDEX và vươn lên bứt phá với Chỉ số SIPAS.
HẢI HẬU
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024