Sáng 23-12, Bộ Xây dựng đã phối hợp với TP Hải Phòng tổ chức lễ công bố Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc bộ.
| Hải Phòng vùng trọng điểm công nghiệp của Vùng duyên hải Bắc Bộ |
5 tỉnh, thành phố nằm trong vùng duyên hải Bắc bộ có diện tích tự nhiên hơn 12.000km2, dân số xấp xỉ 8 triệu người, trong đó tỷ lệ dân đô thị khoảng 25%, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Đông giáp vịnh Bắc bộ và phía Tây giáp tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hoà Bình. Phát huy tiềm năng, lợi thế, vùng duyên hải Bắc bộ là một vùng kinh tế tổng hợp gồm công nghiệp, du lịch, dịch vụ… đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, đặc biệt là chiến lược kinh tế biển Việt Nam.
Dự kiến, đến năm 2050, vùng duyên hải Bắc bộ là một vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có ảnh hưởng đặc biệt tới vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế Nam Trung Quốc và vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ.
Định hướng chính phát triển vùng duyên hải Bắc bộ trong thời gian tới theo hướng vùng đô thị đa cực, phân bố theo tuyến liên kết giữa không gian TP Hải Phòng - Hạ Long là đô thị hạt nhân trung tâm vùng với các đô thị trung tâm tỉnh lỵ trên cơ sở các trục không gian chủ đạo là QL18, QL10, tuyến cao tốc ven biển, trục không gian Đông-Tây nối vùng châu thổ sông Hồng với vùng thủ đô…
Vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung vào trục Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái; vùng đô thị hoá mạnh bao gồm không gian các đô thị nối kết trục QL5, QL18, các đô thị du lịch, kinh tế và ven biển. Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc bộ thành khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị, nông thôn cao, song cũng cần phải bảo vệ những vùng tự nhiên bao gồm các khu vực thấp kèm theo lưu vực sông, vùng thoát lũ, các tuyến đê biển, cảnh quan rừng quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, di tích lich sử văn hoá và các vùng nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trịnh Quang Sử khẳng định: Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc bộ là cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH tại các địa phương. Để quy hoạch được triển khai trên thực tế, thời gian tới rất mong Bộ Xây dựng tăng cường quản lý, giám sát thực hiện, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch.
KO |