Công ty cổ phần đường bộ Hải Phòng: Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

19:02 27/03/2025

Chiều 27-3, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì giám sát tại Công ty cổ phần đường bộ Hải Phòng về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giai đoạn 2020-2024. Cùng dự có đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi; lãnh đạo các ngành thành phố liên quan.

                              Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì cuộc giám sát 

Lãnh đạo Công ty cổ phần đường bộ cho biết, hơn 4 năm qua, công ty gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID -19, giá nhiên liệu tăng, nhiều bến phà do công  ty quản lý dừng hoạt động hoặc cầm chừng, các phương tiện (phà, xe buýt) đều cũ, nguồn kinh phí sửa chữa hạn hẹp... Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng bảo đảm doanh thu, có lợi nhuận, bảo toàn vốn Nhà nước (tổng vốn điều lệ 22 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 56,6%), có cổ tức, bảo đảm việc làm và thu nhập cho hơn 200 lao động...

          Theo lãnh đạo công ty, sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, còn gặp khó khăn trong tổ chức quản lý, xử lý tài chính, cân đối lao động, quan hệ giữa các cổ đông, vấn đề về người đại diện và thiết lập khung quản trị doanh nghiệp trong các DNNN sau cổ phần hóa; vấn đề thoái vốn sau cổ phần hóa. 

Nguyên nhân do các quy định của pháp luật còn một số điểm chưa thật phù hợp để thu hút nhà đầu tư cũng như tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cải tổ, thay đổi mô hình quản lý sau CPH...

Lãnh đạo Công ty CP Đường bộ Hải Phòng báo cáo đoàn giám sát

           Công ty đề nghị cần có cách đánh giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn hợp lý; ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách công cộng; các cơ chế chính sách cho đầu tư xe buýt điện; nâng thời gian đấu thầu thực hiện dịch vụ duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ lên 3-5 năm thay vì 1 năm như hiện nay; hỗ trợ công ty giải quyết việc làm cho người lao động sau khi cầu Lại Xuân hoàn thành, phà Lại Xuân chấm dứt hoạt động... 

          Các thành viên đoàn giám sát đề nghị công ty làm rõ về việc đầu tư vốn ngoài doanh nghiệp; giải quyết lao động dôi dư; thực trạng, kết quả sản xuất, kinh doanh trong kinh doanh dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2022-2024; định hướng phát triển dịch vụ vận tải dịch vụ công cộng bằng xe buýt xanh...

          Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng ghi nhận công ty thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiệu quả còn thấp; xu thế phát triển thời gian tới chưa rõ nét... 

Đoàn giám sát đề nghị Công ty Đường bộ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Đoàn giám sát đề nghị công ty tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; nghiên cứu, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh đặc biệt là bảo đảm an toàn trong các hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ, hệ thống các bến phà quản lý; đổi mới công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng; huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, thay mới các phương tiện vận tải (xe buýt, phà) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an toàn và đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách công cộng. 

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, mở rộng đối tượng, địa bàn phục vụ; đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu, doanh nghiệp và người lao động, bảo toàn vốn chủ sở hữu, làm tròn nghĩa vụ kinh doanh theo quy định của pháp luật, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho người lao động./.

                                                                                                                                  Hồng Thanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông