Cứ liệu lịch sử không thể chối cãi

15:24 30/07/2012

Ngày 25-7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tiếp nhận một số tài liệu,hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đó có bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904.
Ngày 25-7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tiếp nhận một số tài liệu,hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đó có bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trao tấm bản đồ cho Bảo tàng quốc gia
Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trao tấm bản đồ cho Bảo tàng quốc gia

“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (ảnh) là tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904 và tái bản năm 1910. Bản đồ được in màu, tạo nên từ hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng khoảng 20x30cm. Bản đồ có bìa cứng ở ngoài nên có thể gấp gọn lại như một cuốn sách. Bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc. Cụ thể, bản đồ cổ xác định cực Nam của Trung Quốc dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam) ở 18 độ 21 phút 36 giây vĩ bắc.  Điều đó có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam (người trao tặng tấm bản đồ) cho biết ông mua được tấm bản đồ vào khoảng năm 1977 - 1978. Mới đây, trong một lần kiểm kê, ông tìm thấy lại tấm bản đồ. Ông đã nghiên cứu, dịch 600 chữ ghi chú trên bản đồ và bất ngờ về giá trị pháp lý của công trình này. “Đây không phải bản đồ của tư nhân, của địa phương nào mà do các đời vua nhà Thanh cùng với các nhà khoa học nghiên cứu khảo sát lâu dài làm ra. Do đó, đây là một cứ liệu lịch sử không thể chối cãi”, tiến sĩ Mai Ngọc Hồng khẳng định.

Có mặt tại buổi lễ, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho hay bản đồ “có yếu tố mới về mặt pháp lý”. Đây là bản đồ được Trung Quốc vẽ theo phương thức hiện đại của phương Tây, khác với cách vẽ theo cách riêng trước kia, có ghi rõ tọa độ, phù hợp với ngôn ngữ bản đồ hiện nay. Ông Dương Trung Quốc nhận xét: “Giá trị quan trọng nhất không phải giá trị tự thân bản đồ mà là nội dung. Bản đồ xác định cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Điều này liên quan đến câu chuyện mà chúng ta đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa”.

Trước một chứng cứ không thể chối cãi là tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, các báo lớn ở Trung Quốc đã cố tình ỉm đi không đả động gì đến thông tin này. Chỉ có một số trang mạng của Trung Quốc là đưa tin khá sát thực về sự kiện tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Trang Sina đã đăng một video, trong đó chuyển tải khá sát những thông tin do các nhà sử học Việt Nam phân tích dựa trên nghiên cứu tấm bản đồ. Sina và sau đó là tờ Stockstar, đài Ifeng (Phượng  Hoàng) đã đưa tin giới thiệu tỉ mỉ về kích thước, lai lịch của tấm bản đồ, nói rõ bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Hoa.

Đến nay, đã có tổng cộng 8 tấm bản đồ cổ do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều thể hiện cực nam nước này là đảo Hải Nam. Trong khi, các bản đồ cổ hàng hải châu Âu và bản đồ cổ của Việt Nam đều thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đến nay các nhà sử học ở Việt Nam đã sưu tầm được 56 tấm bản đồ cổ hàng hải của châu Âu vẽ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Chắc chắn trong thời gian tới, rất nhiều tư liệu quý sẽ tiếp tục được công bố với mục đích làm dày thêm cơ sở và chứng cứ pháp lý, khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Việt Anh (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông