Hôm qua 15-9, cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf tuyên bố ông sẽchính thức thành lập một đảng chính trị mới vào ngày 1-10 và hướng tớiviệc nắm quyền trở lại ở Pakistan.
| |
Với vai trò tư lệnh quân đội, ông Musharraf đã lật đổ thủ tướng Nawaz Sharif trong cuộc đảo chính năm 1999 và trở thành tổng thống Pakistan từ năm 2001. Tháng 8-2008, ông buộc phải từ chức để đổi lấy việc không bị chính phủ của đảng Nhân dân Pakistan luận tội xung quanh vụ ban bố tình trạng khẩn cấp và đình chỉ hiến pháp hồi cuối năm 2007. Tháng 4 năm ngoái, ông chạy tới sống lưu vong ở London (Anh) để khỏi phải đứng trước vành móng ngựa. Trong thời gian tại chức, ông cũng nhiều lần bị các nhóm nổi dậy dọa giết.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC tuần trước, ông Musharraf khẳng định sẽ phục hồi lại niềm tin của đất nước Pakistan và bày tỏ mong muốn trở thành tổng thống một lần nữa. Và sáng qua 15-9, trong một cuộc họp báo ở Hong Kong, chính trị gia này cho biết: “Tôi sẽ tuyên bố thành lập đảng mới của tôi vào ngày 1-10 tới. Chúng ta phải xây dựng một nền văn hóa chính trị mới ở Pakistan”. Theo ông Musharraf, hiện nay người dân Pakistan hoàn toàn mất niềm tin và hy vọng vào đất nước mà như ông mô tả là đang trong “tình trạng thảm thương, bóng đen bao trùm khắp nơi”.
Được biết, đảng mới của ông Musharraf có tên Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML). Nhiều khả năng lễ khai trương APML sẽ diễn ra ở London. Chính khách 67 tuổi này tin rằng sẽ giành được ghế nghị sĩ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, rồi sau đó trở thành tổng thống hoặc thủ tướng. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra thận trọng khi “thòng” thêm câu “thà cố gắng mà thất bại còn hơn không làm gì cả”.
Hiện ông Asif Ali Zardari, chồng cố thủ tướng Benazir Bhutto, đang lắm quyền lãnh đạo đất nước Pakistan trong vai trò tổng thống. Tuy nhiên, quyền lực của ông Zardari đang lung lay dữ dội do nạn phiến quân, nền kinh tế sa sút và các trận “đại hồng thủy” chưa từng có. Ông Zardari đang đào tạo cậu con trai 21 tuổi Bilawal để sau này đưa cậu lên nắm quyền. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Musharraf khẳng định đã đến lúc Pakistan phải từ bỏ chế độ chính trị gia đình. Ông nói: “Tôi cương quyết chống lại chính trị gia đình. Dân chủ không tồn tại ở Pakistan”.
Phản ứng trước kế hoạch của cựu Tổng thống Musharraf, các đối thủ chính trị trong nước cảnh báo ông sẽ bị đưa ra xét xử nếu quay lại Pakistan. Tuy nhiên, ông Musharraf khẳng định không lo ngại nguy cơ bị kiện cáo ra tòa do những hành động của ông trong thời kỳ cai trị Pakistan. Chính khách này thừa nhận có những phần tử chính trị chống lại mình: “Tôi phải đối mặt. Tôi tin rằng sẽ không có gì xảy ra khi tôi về nước”. Musharraf cũng thừa nhận rằng về nước sẽ rất nguy hiểm đối với tính mạng của mình, nhưng ông cũng có cái để tin tưởng rằng tham vọng của mình là khả thi. Tại Pakistan, các cựu thủ tướng Benazir Bhutto và Sharif từng sống lưu vong nhưng sau này đều về nước và “làm nên chuyện”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |