| Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được xây dựng bằng vốn vay ODA của JICA. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN) |
Sáng 8/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm 2016.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 2.564 triệu USD, tăng 61% so cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 1.850 triệu USD (trong đó ODA vốn vay đạt 1.750 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại 100 triệu USD), thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giải ngân này xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2015 và chưa có sự đột phá.
Các nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...; trong đó vướng mắc nhất hiện nay đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 của Quốc hội.
Theo phản ánh của nhóm 6 ngân hàng phát triển, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình dự án không đạt được theo tiến độ cam kết do các nguyên nhân chủ yếu như quy định không cho phép giải ngân vượt kế hoạch giao hàng năm của Chính phủ; vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải; công tác chuẩn bị dự án chậm do chịu tác động của quá trình chuyển tiếp từ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ sang Nghị định số 16/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 2/5/2016, thay thế cho Nghị định số 38; các chương trình, dự án phải tuân thủ quy trình thủ tục của Luật Đầu tư công; chậm trễ trong việc xem xét và phê duyệt đơn rút vốn tại Bộ Tài chính.
Về thể chế, một số quy định trong Nghị định số 16/2016/NĐ–CP của Chính phủ chưa được hướng dẫn rõ ràng, thiếu các văn bản pháp lý về cho vay lại thông qua các tổ chức tín dụng để giảm thiểu rủi ro.
Riêng đối với các dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị được dành 45% vốn ODA trong giai đoạn 2011-2015, đại diện Bộ này cho biết: Bộ Giao thông Vận tải hiện có 36 dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi; trong đó 18 dự án triển khai tốt, 10 dự án ở mức độ trung bình và khá, 7 dự án giải ngân chậm.
Đến hết quý 1/2016, số vốn ODA giải ngân đạt hơn 151.000 tỷ đồng/237.969 tỷ đồng vốn ODA ký kết cho các dự án; số vốn đối ứng giải ngân đạt hơn 33.000 tỷ đồng/71.905 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ký kết tiếp 6 dự án với tổng vốn hơn 890 triệu USD.
Các dự án ODA của ngành Giao thông Vận tải đang triển khai đều có quy mô, tác động lớn đến kinh tế-xã hội đất nước và có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế. Các dự án này đang được Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khẩn trương thi công, đáp ứng tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ, do đó nhu cầu giải ngân vốn ODA là rất lớn.
Việc thiếu kế hoạch vốn ODA để giải ngân cho các dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu: Từ nay đến cuối năm, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn ODA và vốn vay ưu đãi vừa được kiện toàn cần quán triệt và thực hiện tốt các quy định mới của Nghị định 16 thay thế Nghị định 38 có hiệu lực từ ngày 2/5/2016. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm giải pháp triển khai ngay Thông tư hướng dẫn thi thành Nghị định 16 trong đó nêu rõ chương trình, dự án nào ưu tiên được cấp phát và chương trình dự án nào phải vay lại. Thủ tục hành chính triển khai dự án phải được giảm bớt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp thu ý kiến của 6 ngân hàng phát triển, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương đối với vấn đề cho vay lại vốn thông qua các tổ chức tài chính, từ đó sớm hoàn chỉnh các văn bản chính sách pháp luật trên nguyên tắc đảm bảo trình độ phát triển của từng địa phương, lưu ý cân đối nguồn thu ngân sách của địa phương đảm bảo hoàn vốn từng chương trình, dự án.
Về huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tìm lộ trình phù hợp khi chuyển tiếp từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang nguồn vốn ưu đãi kém hơn, đảm bảo các dự án ODA đang thực hiện vẫn có hiệu quả.
Đối với vấn đề giải ngân vượt quá dự toán, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính có báo cáo trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo hướng giải ngân kế hoạch vốn theo tiến độ cấp vốn như cam kết của nhà tài trợ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các Ban quản lý dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là với những dự án có tiến triển tốt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải để tìm ra những bài học nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án khác. |