19:54 16/03/2023 Nằm gần khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma tuý lớn thứ 2 thế giới, lại có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc thông thương quốc tế bằng cả đường bộ, đường hàng không lẫn đường biển, Việt Nam chịu tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực.
Không để là địa bàn trung chuyển ma tuý quốc tế
Bắt đầu từ năm 2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Phòng, chống ma túy đến cấp xã, phường, thị trấn; ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 20-4-2022 của Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; tổ chức Tháng hành động phòng, chống ma túy với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”. Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu cả nước tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán trái phép chất ma túy và các sản phẩm có chứa chất ma túy.
Nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên phạm vi cả nước nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng giữ vững ANCT, TTATXH, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
Riêng Bộ Công an với vai trò chủ công đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Quốc phòng, LĐTB&XH, Y tế, Tài chính (Tổng cục Hải quan); các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên cả nước tổ chức trên 600 đợt tuyên truyền, tập huấn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tòa án nhân dân các cấp tổ chức xét xử 1.991 vụ án điểm, án xét xử lưu động về ma túy.
Từ đó, nâng cao nhận thức về pháp luật, trách nhiệm chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân trong phòng ngừa, trấn áp loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống
Quán triệt phương châm: “Không đánh khúc giữa, bắt cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu”, các lực lượng chuyên trách chống ma túy cả nước ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, phương án nghiệp vụ; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm; điểm, tụ điểm phức tạp để từ đó, phối hợp mở nhiều đợt cao điểm triệt phá hàng loạt đường dây, tổ chức tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia; giải quyết và chuyển hóa nhiều “điểm nóng"”, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ cao (đạt 90,4% về số vụ; 89,3% số bị cáo).
Trong đó, cần phải kể đến những thành tích, chiến công xuất sắc của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an toàn quốc. Năm qua, với vai trò là chủ công, lực lượng Công an cả nước đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt, xử lý 40.113 đối tượng trong 26.119 vụ ma túy; thu một khối lượng lớn tang vật các loại, gồm: 743,70 kg heroin; 2.147,78 kg và 3.998.040 viên ma tuý tổng hợp; 467,32 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan.
Đồng thời, công an các đơn vị đã triệt xóa 763 điểm, 72 tụ điểm phức tạp; phát hiện, bắt 1.810 vụ lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm để tổ chức sử dụng trái phép ma tuý (xử lý hình sự 3.336 đối tượng, xử lý hành chính 7.650 đối tượng)…
Kế tiếp là lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước đã bắt giữ 1.195 đối tượng trong 848 vụ, thu 1.026 kg ma túy các loại; lực lượng Cảnh sát biển bắt 328 đối tượng trong 238 vụ, thu 354,22 kg tang vật; lực lượng Hải quan bắt 270 đối tượng trong 303 vụ; thu giữ 164.970 kg heroin, 161,960 kg cần sa, 6,770 kg cocain, 51,077 kg thuốc phiện, 667,990 kg ma tuý tổng hợ, 370 viên hướng thần, 47,55 kg ketamine, gần 13 kg tiền chất, 500 tem giấy có tẩm chất ma túy LSD, 11,069 kg cỏ Mỹ khô.
Cùng với đó, sau 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết, Việt Nam đã từng bước khắc phục được những khó khăn, hạn chế, bất cập liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Từ đó, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ngày càng được nâng lên. Hợp tác quốc tế, nhất là công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên phạm vi cả nước đã có bước chuyển biến tích cực.
Theo thống kê, đến tháng 2-2023, cả nước ta có 191.410 người nghiện ma túy, giảm 14.408người so với tháng 12-2021. Công tác lập hồ sơ đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã sát, hợp với thực tiễn.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cũng được đơn giản, rút gọn trong quá trình thực hiện. Nhiều tỉnh đã đạt, tăng và vượt chỉ tiêu lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.
Chỉ tính riêng năm 2022, toàn quốc đã lập 17.285 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Nhiều địa phương đã chú trọng làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện có cơ hội tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội…
Khánh Chi