10:03 15/02/2019 Những năm qua, để đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái hiện đại, gắn với du lịch cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đội ngũ cán bộ CCVC Trung tâm Khuyến nông thành phố đã đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu, triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học, sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh quá trình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm phát triển sản xuất, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng CNC gắn với tiêu thụ nông sản. Để làm rõ những nỗ lực, đóng góp của đơn vị, phóng viên Báo ANHP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố.
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đơn vị đạt được trong việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dựng CNC gắn với tiêu thụ sản phẩm trong những năm qua?
Ông Nguyễn Ngọc Đam: Với đội ngũ cán bộ CCVC, người lao động lành nghề, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Trung tâm thực hiện từ 7 đến 8 đề tài, nhiệm vụ KH, phát triển CN cấp thành phố, cơ sở.
Các đề tài, nhiệm vụ đều trung giải quyết các vấn đề từ khâu thử nghiệm, khảo nghiệm, sản xuất giống đến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chế phẩm sinh học, cơ giới hóa trong sản xuất..., khi nghiệm thu đều được đánh giá cao, phù hợp với thực tiễn sản xuất, khả năng nhân rộng lớn.
Chú trọng đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản sạch
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của thành phố về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao thu nhập cho nông dân thì vấn đề CNC, nông nghiệp sạch đã được ngành nông nghiệp xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giải pháp trong tiến trình tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM.
Theo đó, công tác xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC gắn tiêu thụ sản phẩm đã được thành phố chú trọng đầu tư trong những năm gần đây. Hiện, trên cả 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, việc đẩy mạnh ứng dụng CNC đã được áp dụng trong một số khâu, phân đoạn sản xuất nhất định.
Tiêu biểu, ở lĩnh vực trồng trọt có thể kể đến mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng CNC của Công ty VinEco tại 2 xã: Tân Liên, Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, quy mô lên đến 216,7 ha. Hay mô hình của Trung tâm Giống & Phát triển NLN CNC Hải Phòng, tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão; Công ty TNHH Châu Giang, tại xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên...
Hiện, các mô hình trên áp dụng CN trong nhà kính Israel là hoàn toàn tự động, thế hệ mới hoặc CN trong mô hình nhà màng polyetylen, nhà lưới CN Việt Nam là bán tự động, cơ giới hoá trong khâu bón phân, tưới nước; điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, quản lý chăm sóc, tưới nước tự động, nhỏ giọt, xử lý sâu bệnh dựa vào việc đo nhiệt độ, ẩm độ...
Cần đưa nông sản sạch, chất lượng vào các siêu thị trên địa bàn thành phố
Trong nhà lưới có thể trồng được 4 vụ dưa Kim Hoàng Hậu hoặc dưa lê/năm. Trừ chi phí, khấu hao dựng nhà lưới một năm vẫn có lãi 43.780.000đ/sào/năm, cao gấp 20 lần so với sản xuất lúa. Ngoài ra trong nhà lưới nhà, nhà kính có thể sản xuất hoa cao cấp như: hoa lan, hoa lily, hoa đồng tiền... có giá trị cao gấp 30 - 40 lần so với trồng lúa...
CNC đang được áp dụng trong lĩnh vực chăn nuôi là các giống lợn siêu nạc, nuôi trong chuồng kín, chuồng lồng, chuồng sàn gắn với hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động; hệ thống sưởi hồng ngoại… Tiêu biểu có thể kể đến là mô hình của Cty CP Giống gia cầm Lượng Huệ, ở xã Hồng Phong, An Dương.
Quy mô gồm 1 khu chăn nuôi với 4 trang trại (1.400 m2/trang trại) nuôi giữ 50.000 con giống gà ông, bà; trên 25 trang trại (cả trại nuôi vệ tinh) nuôi giữ 200.000 con gà bố mẹ; hàng năm sản xuất 15 triệu con giống. So với sản xuất đài trà, năng suất chăn nuôi trong mô hình CNC tăng 20 đến 25%, giảm 35% chi phí thức ăn. Hiệu quả chăn nuôi tăng 20 - 25%, tạo nguồn thực phẩm an toàn.
Riêng ở lĩnh vực thủy sản, cùng với việc hàng năm cung ứng đủ nguồn giống thủy sản cho giá trị kinh tế cao, đáp ứng tốt nhu cầu nuôi trồng thủy sản của trong và ngoài thành phố, như các giống: tu hài, hàu, vẹm xanh, cua; cá chim vây vàng, song, giò, bớp..., ở lĩnh vực khai thác, Hải Phòng đã từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ thông qua việc trang bị định vị vệ tinh GPS để xác định vị trí tàu, hỗ trợ tìm kiếm ngư trường. Hay ứng dụng thiết bị nhận dạng tàu thuyền giúp tiết kiệm từ 15-20% chi phí nhiên liệu chạy tàu (4-5 triệu đồng/chuyến biển) cho ngư dân.
Đáng chú ý, để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản ứng dụng CNC, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã đẩy mạnh hoạt động liên kết các tổ chức, cá nhân tiêu thụ nông sản.
Hiện, đơn vị đã kết nối với Cty VinEco tiêu thụ 1,45 tấn rau an toàn/ngày cho các hộ vệ tinh tại Hải Phòng; tiến hành hỗ trợ 51 sản phẩm có chứng nhận VietGAP, hướng tới đưa sản phẩm vào chuỗi 20 cửa hàng tiện ích, các siêu thị Copmark, BigC... trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã phối hớp với ngành Công thương, các doanh nghiệp tìm đầu ra cho trên 20 sản phẩm; tích cực tham gia hội chợ nông sản an toàn trên phạm vi toàn quốc để dần đưa nông sản đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị nông sản quốc gia, từng bước hội nhập quốc tế.
Cần đưa nông sản sạch, chất lượng vào các siêu thị trên địa bàn thành phố
PV: Được biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn không ít những bất cập, hạn chế nhất định. Vậy để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản CNC trong thời gian tới, theo ông cần quán triệt những giải pháp nào?
Ông Nguyễn Ngọc Đam: Là một giải pháp quan trọng đảm bảo cho việc thực hiện thành công tiến trình tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM nên việc đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản cần được triển khai tập trung theo hướng phát triển từng bước, vững chắc, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản.
Để làm được điều đó thì thành phố cần sớm ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn; quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Hoàn thiện cơ chế chính sách tích hợp, lồng ghép sản xuất nông nghiệp CNC vào trong các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM; quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng CNC.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC; từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm CNC từ khâu sản xuất đến tận tay người tiêu dùng để giảm chi phí trung gian, chống tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Tiếp tục rà soát, tổ chức lại sản xuất, xác định ngành hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Cùng với đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Chi thực hiện
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024