Địa vị của tổ chức Công đoàn khi Việt Nam tham gia TPP

01:51 19/11/2015

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đồng thời là ĐBQH Hải Phòng) đã phát biểu làm rõ thêm những vấn đề mà ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Trả lời câu hỏi chất vấn sáng 16-11 của đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng và một số ĐBQH về vấn đề lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), về địa vị pháp lý, tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, có gì khác khi chúng ta tham gia Hiệp định TPP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo cam kết trong Hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam là được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký hiệp định), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Và như vậy cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng còn không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam cần kiên trì, kiên định thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng với các vấn đề mà ba đại biểu đã nêu.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh 3 điểm trong quan hệ với Trung Quốc: “Thứ nhất, chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, tôi xin nhấn mạnh, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các cam kết khu vực.

Thứ ba, đồng thời với phát triển KT-XH, chúng ta tăng cường cho QP-AN, nâng cao công tác đối ngoại, giữ vững TTATXH, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn giữ hòa bình và ổn định, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta”.

THẾ KHOA


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông