Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo đôthị hóa nhanh đang dẫn đến những nguy cơ thảm họa và nghèo đói khólường ở các thành phố trên thế giới.
| Những người vô gia cư ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ |
Báo cáo "Thảm họa thế giới 2010" của IFRC công bố ngày 21-9 cho biết, lần đầu tiên cư dân sống ở đô thị nhiều hơn ở nông thôn, nhưng thế giới không theo kịp sự thay đổi này. Cụ thể, hiện có 3 tỉ người sống tại các đô thị, trong đó có 1 tỉ sống trong những khu nhà ổ chuột không được tiếp cận với nước sạch, không có toilet đúng nghĩa, nhà ở thì tạm bợ. Đô thị hoá nhanh đang bộc lộ những thách thức sâu sắc, từ đói nghèo và thất nghiệp cho đến tội phạm và ma tuý. Lấy ví dụ, Trung Quốc hiện có 16 thành phố nằm trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới.Hay tại châu Phi, nơi đô thị hóa tự phát diễn ra với tốc độ cực nhanh, các vấn nạn do đô thị hóa gây ra chỉ đứng sau thảm họa HIV/AIDS.
Theo thống kê, hiện thế giới có khoảng 20 siêu đô thị (thành phố có dân số từ 10 triệu người trở lên). Tuy nhiên, đến năm 2025, con số này sẽ lên tới trên 30. Ngoài ra, đến năm 2015, sẽ có 59 thành phố châu Phi, 65 thành phố Mỹ Latinh và Caribbean cùng với 253 thành phố châu Á có số dân từ 1 triệu đến 5 triệu người. Trong các siêu đô thị, thủ đô Dhaka của Bangladesh có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 1985, thành phố này chưa đầy 5 triệu dân thì đến năm 2009, dân số tại đây xấp xỉ 15 triệu và dự đoán sẽ vượt 20 triệu vào năm 2025.
Theo báo cáo của LHQ, trong một phần tư thế kỷ tới, tăng dân số hầu như sẽ chỉ diễn ra ở các thành phố, mà phần lớn thuộc các nước kém phát triển. Đến năm 2030, hơn 60% dân số thế giới sống ở các đô thị. Khoảng 2,57 tỷ cư dân đô thị ở các nước có thu nhập trung bình và thấp phải đối mặt với những nguy cơ nghèo đói và thảm họa khó lường do đô thị hóa nhanh, quản lý yếu kém, dân số tăng, dịch vụ y tế kém và bạo lực đô thị gia tăng. Bên cạnh đó, những cuộc di dời cho các dự án chỉnh trang đô thị hoặc tái phát triển, đã đẩy hàng triệu người vào cảnh không có chỗ ở.
Lý giải nguyên nhân quá nhiều người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa đô thị hóa, báo cáo của IFRC cho rằng do 1 tỷ dân phải sống trong những căn nhà tồi tàn, không có cơ sở hạ tầng giảm rủi ro cũng như không có dịch vụ.Hàng năm, hơn 50.000 người có thể bị chết do động đất và 100 triệu người khác có thể bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và chính những cư dân đô thị này là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.Hiện có đến 8 trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới nằm gần những vết nứt động đất, 2/3 thành phố sẽ có 8 triệu cư dân vào năm 2015 nằm ven biển, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi mực nước triều do thay đổi khí hậu.
Theo ông Bekele Geleta, Tổng thư ký IFRC, quản lý đô thị tốt là yếu tố cơ bản đảm bảo người dân được quyền tham gia phát triển môi trường đô thị, không bị gạt ra ngoài lề xã hội và không bị bỏ rơi trong thảm họa, biến đổi khí hậu, bạo lực và bệnh tật. Tác giả chính của báo cáo, David Satterthwaite cũng cho rằng người dân sống ở những đô thị được quản lý tốt là những người được hưởng cuộc sống có chất lượng tốt nhất thế giới và có tuổi thọ cao nhất thế giới. Một quốc gia càng được đô thị hóa thì nền kinh tế càng mạnh, tuổi thọ trung bình cũng như tỷ lệ đi học và nền dân chủ càng cao, đặc biệt ở cấp cơ sở.
VIỆT ANH (tổng hợp) |