Độc đáo phiên chợ Hàng

18:24 30/12/2016

 

 

Một góc chợ Hàng
Một góc chợ Hàng

Thật chẳng gì sánh với cảm giác ngẩn ngơ giữa rừng người ken chặt như nêm của chợ Hàng, ôm chú mèo con hay tần ngần ngắm nhìn đàn cá tung tăng trong bể, thích đến chảy nước mắt mà túi chẳng đủ tiền mua…

Nét quê trong nhịp sống đô thành

Thực ra, vùng đất Dư Hàng Kênh trước kia thuộc huyện An Hải cũ (nay là An Dương), mới nhập về nội thành, nhưng từ xưa đã nổi tiếng hội tụ nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng quá thuần khiết. Chỉ mới cách đây hơn chục năm, cứ đến chiều thứ Bảy, từ các ngả đường, nào xích-lô, nào người gồng gánh mang vác, hàng hóa lỉnh kỉnh đổ về chợ Hàng, để kịp 1h đêm đến phiên khai chợ. Giờ đây hạ tầng giao thông được mở, sự nổi tiếng cũng vượt qua thời gian, chợ Hàng trở thành điểm chỉ dẫn trong bản đồ du lịch, phiên chợ cũng kéo thành hai ngày, thứ Bảy và Chủ nhật.

Theo nhịp sống hiện đại, hai tiếng “chợ phiên” dường như đang dần trở thành xa lạ, thế mà giữa lòng thành phố lại có một chợ Hàng đậm đủ tình quê. Mỗi lần đến chợ, hưởng cái hương cây non ngai ngái quyện với vị nồng còn hơi sữa của những con thú, cảm như lạc giữa không gian quê man mác, vừa cổ lại vừa tân. Cổ vì phong cách tự cung tự cầu của nhà nông, tân bởi sự tấp nập của dân kẻ chợ. Nói đến chợ Hàng là nói đến cây, hoa, muông, thú, phong phú đến nỗi chỉ ngắm cũng đủ thấy lòng rờm rợp, nói gì đến có tiền mà thả sức mặc cả ngã giá bán mua.

Một góc chợ Hàng
Một góc chợ Hàng

Những thứ gần gũi với nông dân như giống cải, bầu, bí, đay…, có loại đã được gieo thành cây, bó lại bằng rơm hoặc để nguyên từng bồng nhỏ xinh; tiếp đến là những đàn lợn con, chú cún, chú mèo đang đến tầm thay lông, đàn gà, đàn ngan vừa đến kỳ bỏ mẹ; có cả những đọn mạ, gánh đất mầu đến cá trắm, chép, ba ba, lươn con… Nhưng hấp dẫn khách thập phương nhiều nhất vẫn là nguồn giống cây cảnh, đơn giản như hoa pháo, thiên lý, loa kèn... cho đến những giò phong lan, gà chọi, chim yểng, bon-sai, non bộ…, dường như thứ nào cũng có.

Ông Dũng, một công nhân nghỉ hưu ở đường Lê Lợi tâm sự, từ ngày còn trẻ, ông đã nghiện đi chợ Hàng. Trước chợ họp từ 1h đêm đến khoảng 9h sáng đã tan, nên ông còn phải phóng xe. Giờ chợ họp cả hai ngày, ông chọn phương án đi bộ, cũng là để rèn luyện sức khỏe, xuống đó mua được thứ gì mới thuê xe chở về. Đôi khi cũng chẳng đủ tiền để thỏa mãn, nhưng chợ Hàng như một kỷ niệm thật đẹp đeo bám theo ông, làm dịu sự căng thẳng xô bồ của chốn phồn hoa, do vậy đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn đam mê. Còn một vị khách khác đến từ Hà Nội mà tôi gặp, ông này đang khệ nệ khuân một chùm những giỏ lan hớn hở: “Không ngờ Hải Phòng có chợ này, đặc sắc lắm…”. Mới thấy tiếng lành đồn xa, chợ Hàng không còn của riêng người bản địa nữa.

Mặc dù vậy, thời đại mới đã làm chợ Hàng thay da đổi thịt, không gian ngày càng rộn ràng hơn, người xe ngày càng nhộn nhịp. Dáng vẻ thanh tịnh khi xưa đã dần nhường chỗ cho cơn gió thị trường ào ào thổi, khách có người quê người phố, có Tây có ta, chợ càng đông thì lại có thêm những kẻ gian nhộm nhạo.

Tiếng oan đâu dễ một ngày…

Chợ Hàng giờ tấp nập hơn rất nhiều, chẳng phiên nào mà thiếu cảnh tắc đường, người mua kẻ bán len chặt như nêm suốt từ trong chợ ra đến đường bao Nguyễn Văn Linh. Dù lực lượng giữ trật tự có nỗ lực đến mấy thì cũng khó vãn hồi được cảnh chen lấn xô đẩy, lấn chiếm vỉa hè lòng đường.

Đồ cũ chợ Hàng lúc nào cũng hút khách
Đồ cũ chợ Hàng lúc nào cũng hút khách

Hàng hoá cũng thêm đa dạng, mới nhất có lẽ là những dãy bán hàng đồ cũ, dù chỉ chiếm một quãng vài chục mét trên đường Quán Sỏi, nhưng tính cả hai bên cũng có hàng trăm sạp mẹt đổ đống ra hè. Nghe người ta đồn rằng, khu vực này bán toàn hàng “chôm chỉa”, tôi thử một phen để khám phá cho rõ thực hư. Một buổi sáng chủ nhật, tôi ngồi “ém” trong quán nước ven đường để tiện quan sát, nhâm nhi “đi” hết hai tuần trà mà không thấy một bóng dáng vật vờ nghiện ngập nào đến tiêu thụ hàng gian như lời đồn đại.

 Chỉ thấy người ta xúm xít vây quanh các đống đồ cũ, mà hàng nào cũng đông ních mới nể, gần như trên trời dưới là tạp hoá, nhưng đồ điện tử vẫn chiếm nhiều hơn cả. Tẹp nhẹp có sạc điện thoại, ổ cắm, điều khiển ti vi…; cao cấp có đầu đĩa, loa đài, âm li, máy khoan, máy xay sinh tố…, có những chiếc gần như còn mới nguyên.

 Đang lang thang, chợt nghe tiếng gọi giật giọng, quay lại hoá ra là Long “vổ”, một tay phe lõi đời ở đường Tôn Đản. Long bả lả lôi tôi ra “sạp” hàng của mình giới thiệu: “Ông xem có “luộc” được gì không?”. Nhìn xuống thấy một đống sạc điện thoại còn mới lẫn vào vài chiếc máy xay sinh tố, đôi ba chiếc nồi cơm, quạt điện, một bó gương xe máy và hàng tá thứ làng nhàng. Lâu ngày gặp lại, cũng thể hiện tình bạn cũ, tôi chọn một chiếc máy xay sinh tố Mitshushita của Thái còn khá mới, không cần mặc cả vì cái giá Long “phát” chỉ có 90.000 đồng. Dọc dãy Long “vổ” ngồi, có nhiều thứ cổ đến nỗi muốn mua mới thì bói cũng không ra, tôi nhờ Long xem hộ chiếc đèn bàn gấp của Trung Quốc, loại đã mất dạng cách đây gần 20 năm, và cũng thấy mãn nguyện khi được sở hữu mà chỉ mất có 30.000 đồng.

Tôi giả bộ hỏi: “Toàn hàng “bay” à?”. Long toe nhe hàng răng vâu cười nhăn nhở: “Bay đâu ra mà nhiều thế, cứ đồn linh tinh chứ phải gom nhiều nguồn mới cóá”. Long cho biết, phải “cất” hàng tại các “xới” thu mua đồ chè chai, quán sửa chữa, các đầu mối tháo dỡ nhà cũ, hoặc “luộc” ở chợ Sắt, Trạng Trình, Tôn Đản. Chẳng qua lợi dụng người đến chợ Hàng đông nên khuân xuống, “cũ người mới ta”, bán một buổi bằng mấy ngày bạc mặt trên phố. Long bật mí thêm, cũng có một số do bọn nghiện đem đến, có hôm mua được cả chiếc nồi trong vẫn còn cơm, nhưng ít khi gặp, hơn nữa loại hàng đó phải tân trang lại hoặc bán ngay, nếu không người mất cắp trông thấy lại phiền hà, nói chung vớ được gì “chơi” thức ấy.

Đã gần trưa, chợ Hàng vẫn ngờm ngợp những người, chim vẫn hót và cá vẫn bơi, cây vẫn mướt xanh rợp hàng cây số đại lộ, đi một bước thấy lạ thêm một bước. Nửa ngày rạc chân nhưng thấy rất vui, lại nhìn đám người vẫn vây không ngớát bới tìm trong các đống đồ cũ, tôi chợt nghĩ: “Giá như bỏ được cái tiếng hàng chôm chỉa, thì khu vực đồ cũ cũng xứng là một nét văn hoá mới, bổ sung vào sự độc đáo của chợ Hàng thêm phần sung túc”.

GIA LÊ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông