08:11 27/04/2023 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ số và công nghệ thông minh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tối ưu quy trình, phương thức sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở ra. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp là không nhỏ nếu không bắt đầu thực hiện đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động đổi mới sáng tạo ngày càng được đánh giá là có tác động tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, nâng cao sự hài lòng của người lao động.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Đây là cuộc cách mạng của sản xuất thông minh. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh công nghệ thông minh thì đòi hỏi năng lực công nghệ của doanh nghiệp cũng phải được tăng lên tương ứng. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực đổi mới sáng tạo để có thể tiếp thu và áp dụng hoặc sáng chế ra những sản phẩm và công nghệ mới cho năng suất và giá trị gia tăng cao hơn.
Nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của doanh nghiệp, TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố cho biết, việc thực hiện đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng như hiện nay. Công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng và thường xuyên thay đổi. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những đổi mới mang tính đột phá từ những đối thủ cạnh tranh trong ngành có thể tạo ra áp lực lớn hơn nhằm tìm ra con đường mới để phát triển của các doanh nghiệp. Do vậy, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải liên tục đổi mới.
Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ lớn của Việt Nam. Với những tiềm năng, lợi thế so sánh cùng với các cơ chế, chính sách đổi mới mở cửa, theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2022 trên địa bàn Hải Phòng đã có trên 37.000 doanh nghiệp, trong số đó 97% các doanh nghiệp đang hoạt động tại Hải Phòng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng đã góp phần quan trọng quyết định trong tăng trưởng kinh tế xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, trên thực tế năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp còn thấp, nguồn tài chính hạn chế, số lượng doanh nghiệp chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký đi vào hoạt động không cao (< 50%), quy mô doanh nghiệp nhỏ (89,13% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỷ, 99% doanh nghiệp có số lao động dưới 300 người), năng lực sinh lợi thấp (30% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ), năng suất lao động không cao...
Với mục đích hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tại Hải Phòng tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN, thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, tại Hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Hải Phòng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Sở KH&CN thành phố phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam và Trường Chính trị Tô Hiệu tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của Trung ương và thành phố đã cùng nhìn nhận, trao đổi và đưa ra những giải pháp cho bài toán đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, để phát triển doanh nghiệp Hải Phòng phải tận dụng được thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khai thác triệt để về Big Data (dữ liệu lớn), iCloud (điện toán đám mây) và IoT (Internet vạn vật), tích cực đổi mới công nghệ, sáng tạo trong sản xuất, sử dụng các mô hình kinh doanh mới, nhằm tạo nên những sản phẩm có giá trị sử dụng hoàn toàn mới với các tính năng thiết thực và ưu việt nhất, giảm giá thành sản xuất, tăng sản lượng, năng suất, hiệu quả cho sản phẩm. Cùng với đầu tư ứng dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lớn, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, phát huy tiềm năng, lợi thế. Các doanh nghiệp cần tạo cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hiệp hội, cơ sở nghiên cứu khoa học để thực hiện việc đổi mới sáng tạo thực sự thành công.
CẨM TÚ