Đồn là nhà, biên giới là quê hương

17:26 02/03/2009

Ở đây, trứ danh là loại đá tai mèo, nhọn, sắc mà chỉ sơ sảy là đâm thủng cả giày, dép. Rồicác chiến sỹ biên phòng, nhân viên nhà đèn, đêm cũng như ngày luôn phảiđi ủng để phòng ngừa... loài rắn xanh cực độc.
Ở đây, trứ danh là loại đá tai mèo, nhọn, sắc mà chỉ sơ sảy là đâm thủng cả giày, dép. Rồicác chiến sỹ biên phòng, nhân viên nhà đèn, đêm cũng như ngày luôn phảiđi ủng để phòng ngừa... loài rắn xanh cực độc.

Chiến sỹ BP đồn 54 với người dân xã Việt Hải - Ảnh KO
Chiến sỹ BP đồn 54 với người dân xã Việt Hải - Ảnh KO

Xuất phát từ bến Bèo, chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi vượt gần 10 hải lý để tới xã Việt  Hải. Mỗi khi có đợt sóng lớn lại làm cho nước biển tung trắng xóa, tràn cả vào phía trong thuyền khiến người bạn đồng nghiệp ngồi cạnh tôi phải co mình che chắn cho chiếc máy ảnh, vật bất ly thân của cánh nhà báo.

Đón chúng tôi ngay tại bến thuyền của xã Việt Hải, sau cái bắt tay ấm nồng của trung úy Nguyễn Xuân Khoát - Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Việt Hải, chúng tôi phải đi xe ôm thêm 5 km nữa mới đặt chân đến trụ sở làm việc của các anh - một gian nhà cấp 4 khiêm nhường nằm sát nhà dân, mà nếu không có biển hiệu sẽ rất khó nhận ra.

Sau khi múc nước giếng mát lạnh cho chúng tôi rửa mặt, chiến sỹ trực ban  lại lật đật pha trà rồi chuyển cho mỗi người một chiếc quạt nan, anh bộc bạch:"Xã chưa có điện lưới quốc gia, dùng máy phát nên tới tận 5h chiều mới có điện".

Tiết trời oi nồng, cộng với việc những vị khách luôn miệng hỏi, tay ghi ghi, chép chép, khiến căn phòng trở nên chật chội, nóng bức. Bước qua bờ rào được đan bằng cây mùng tơi, anh Khoát dẫn chúng tôi sang nhà cụ Nguyễn Thị Xê, anh giới thiệu: "Khi mới thành lập Tổ công tác Biên phòng tại xã Việt Hải, anh em chiến sỹ  đã phải ở nhờ nhà cụ Xê gần 2 năm. Tuy khó khăn, nhà dựng bằng đất trát, song gia đình tạo điều kiện dành cho bộ đội nửa gian nhà chính để vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi". Nghe bộ đội ôn lại thuở hàn vi, chị Nguyễn Thị Xuyến - con gái cụ Xê - đỡ lời: "Thì bây giờ, các chú có trụ sở rồi, cứ mưa to gió lớn sợ nhà sập, mẹ con lại bồng bế lên trú nhờ, lại còn được các chú dạy dỗ, bảo ban".

Dẫn chúng tôi đi tham quan hơn 60 nóc nhà của các cư dân trong xã, đi đến đâu cũng vang tiếng cười nói, chào hỏi, một chị trung niên, túm chặt lấy cánh tay của thiếu úy Trần Huy Việt mắng yêu: "Bố anh, tưởng anh quên chúng tôi rồi, về đây bu gả con gái cho", rồi quay ra phân trần cho hành động của mình: "Trẻ tuổi, xa nhà nhưng ngoan và tốt nết lắm".

Sải bước trên con đường nhỏ, trong không gian khói chiều bảng lảng, Việt tâm sự: "Quê em ở Nam Định, những ngày đầu xa nhà lại nhận công tác tại những địa bàn xa xôi, không tránh khỏi những lúc buồn chán. Song dần dà, gần gũi, khi ốm đau có các bà, các chị lui tới thăm nom khiến chúng em nguôi ngoai và chuyên tâm với nhiệm vụ được giao, gắn bó với địa bàn hơn".

Với nhiệt huyết và ham khám phá của tuổi trẻ, Việt cũng là chiến sỹ được "nếm mùi" những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của tuyến biên phòng Hải Phòng. Theo Việt, nhiều chuyện đáng nhớ và cũng đáng kể nhất là thời gian nhận nhiệm vụ tại đảo Long Châu.

Cách Cát Bà khoảng 9 hải lý nhưng vào mùa mưa bão, sóng to gió lớn luôn hoành hành, có khi phải 2-3 tháng mới có tàu từ đất liền ra đảo. Chuyện cán bộ chiến sỹ trên đảo ăn mì tôm thay cơm hàng tuần, thậm chí là tháng, không có gì lạ. Chỉ vẻn vẹn hơn 1km2, nhưng dường như hòn đảo mắt rồng này chứa đựng những gì khắc nghiệt nhất của thiên nhiên, vạn vật. Ở đây, trứ danh là loại đá tai mèo, nhọn, sắc mà chỉ sơ sảy là đâm thủng cả giày, dép.

Rồi các chiến sỹ biên phòng, nhân viên nhà đèn, đêm cũng như ngày luôn phải đi ủng để phòng ngừa... rắn xanh. Loài rắn sinh ra từ vùng núi đá này chỉ dài chừng 30-50cm nhưng được xếp là một trong những loài cực độc. Nếu bị chúng cắn, không kịp thời garô, sơ cứu bằng thuốc nam rồi đưa vào đất liền điều trị thì khó giữ được tính mạng.

Nằm trơ trọi giữa biển, nên các chiến sỹ trên đảo phải hứng chịu những hà khắc nhất của thời tiết. Mùa biển động có những đợt sóng dữ cao gần 40m táp thẳng vào đảo, nước biển cộng với nắng nóng khiến không cây cối nào có thể trụ vững. Mùa lạnh thì rét thấu da thịt, sương mù dày đặc, quãng đường tuần tra hơn 1km mà có lần các chiến sỹ làm nhiệm vụ đã phải đi mất gần 6 giờ đồng hồ mới về đến đảo.

Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mọi bề là vậy, nhưng chưa có cán bộ, chiến sỹ nào không làm tròn nhiệm vụ được giao, không chỉ Trần Huy Việt mà nhiều người khác đã thử sức 6 tháng rồi cả năm trên đảo như lời khẳng định bản lĩnh, ý chí của người lính mang quân hàm xanh mang trên vai sứ mệnh bảo vệ độc lập chủ quyền biên giới biển.

Không ngần ngại, né tránh, thượng tá Đào Quang Thức - Chỉ huy trưởng đồn Biên phòng 54 cho biết: Với cán bộ, chiến sỹ ở những địa bàn xa thì công tác tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Không chỉ quán triệt về câu chữ mà BCH đồn còn thực hiện những biện pháp, chính sách cán bộ cụ thể. Như đã thành lệ, khi gia đình có việc như giỗ cha, mẹ, vợ con ốm đau mà chiến sỹ không thể về được, chỉ huy đồn sẽ trực tiếp cùng anh em đến động viên, chung tay lo việc. Trái lại, khi trời yên bể lặng, dịp nghỉ dài ngày Đồn lại bố trí tàu đưa vợ con chiến sỹ ra thăm đảo, nơi công tác, để từ đó người thân hiểu hơn về nhiệm vụ cao cả, cũng như chia sẻ những khó khăn với chồng, con.

Quả thật, với đặc thù về điều kiện công tác, ăn ở như hiện nay, các chiến sỹ biên phòng phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí gian khổ, nguy hiểm. Song vượt lên tất cả, với phương châm và cũng chính là những đúc rút từ thực tế "Địa bàn là nhà, biên giới là quê hương" đã là động lực giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền biên giới biển đảo.


KIM OANH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông