09:57 01/08/2018 Trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, nhất là những ngày gần đây do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm mống vi rút cúm gia cầm bùng phát, gây thiệt hại lớn cho người dân trên địa bàn huyện An Dương - địa phương đã bùng phát dịch cúm gia cầm từ đầu năm 2018.
Cúm A/H5N6 bùng phát trên đàn gia cầm tại huyện An Dương
Thiệt hại lớn
Hiện, dịch cúm A/H5N6 bùng phát trên đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi thuộc địa bàn 2 xã: An Hồng, An Hưng, huyện An Dương. Tại xã An Hưng, tính đến ngày 30-7, dịch cúm đã làm chết gần hết đàn gia cầm 5.500 con của hộ ông Nguyễn Đức Trường, ở thôn Đông Hải.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi & Thú y, Sở NN&PTNT, ngày 5-6, đàn vịt 2.100 con của hộ ông Trường nhập về nuôi đã được chủ hộ tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả vịt, viêm gan vịt, cúm gia cầm nhưng đến ngày 16-7 phát hiện đàn vịt bị tiêu chảy, triệu chứng thần kinh quay tròn, chết nhanh. Đến ngày 30-7 chỉ còn lại 250 con.
Đối với đàn ngan 2.400 con từ 2 đến 4 tháng tuổi, ngày 15-7 khi phát hiện có dấu hiệu kém ăn, tiêu chảy, triệu chứng thần kinh, quay tròn rồi chết như đàn vịt; chủ hộ đã sử dụng kháng thể Havet K.T.G, thuốc kháng sinh, thuốc trợ sức, trợ lực… để điều trị nhưng bệnh không giảm. Đến ngày 30-7, đàn ngan chỉ còn 35 con sống sót.
Đàn gà 1.000 con được hộ ông Trường nhập về nuôi ngày 13-6 từ Phú Xuyên, Hà Nội, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi nhập về nuôi, hộ ông Trường cho biết đã sử dụng vắc xin phòng bệnh Niu-cát-xơ, cúm gia cầm. Nhưng cũng từ ngày 15-7, đàn gà bắt đầu lăn ra chết, đến ngày 30-7 còn lại 7 con.
Hộ ông Hoàng Văn Mấm, thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, An Dương, có tổng đàn gia cầm 4.720 (4.500 con vịt 43 ngày tuổi, 150 con vịt đẻ 24 tháng, 70 con gà 4-8 tháng tuổi). Từ ngày 27-7, mặc dù đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả vịt, viêm gan vịt trước đó nhưng đàn vịt 4.500 con 43 ngày tuổi của hộ ông Mấm bắt đầu bị tiêu chảy phân xanh, trắng, có triệu chứng thần kinh, quay tròn và chết rất nhanh.
Ngày sau khi nhận được báo cáo của Trạm Chăn nuôi &Thú y, huyện An Dương, về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, sáng 30-7, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện An Dương tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại xã An Hưng, An Hồng.
Tại thời điểm kiểm tra, đàn gia cầm 5.500 con của hộ ông Nguyễn Đức Trường chỉ còn lại 292 con. Số gia cầm ốm chết đã được chủ hộ tự chôn hủy.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy gia cầm mắc bệnh theo quy định
Đối với đàn gia cầm của hộ ông Hoàng Văn Mấm, chỉ sau 3 ngày (đến ngày 30-7) kể từ khi phát hiện dịch bệnh, đàn vịt con chết rất nhanh, khoảng 1.000/4.500 con.
Đối với đàn gà, đàn vịt đẻ của chủ hộ, do được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đợt 2 năm 2017 nên tính đến ngày 30-7 vẫn khỏe mạnh.
Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch
Trước tình hình dịch bệnh nêu trên, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã thống nhất cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện An Dương lấy 6 mẫu bệnh phẩm (3 mẫu/hộ) gửi Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy 6/6 mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm A/H5N6.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy gia cầm mắc bệnh theo quy định
Do đó, để khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát ra diện rộng, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm còn sống của hộ ông Hoàng Văn Mấm, xã An Hồng và hộ ông Nguyễn Đức Trường, xã An Hưng, huyện An Dương theo quy định.
Kiểm tra, thực hiện khử trùng tiêu độc các hố tự chôn hủy gia cầm, cũng như khu vực xung quanh của các hộ. Tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy gia cầm bệnh 1 lần/ngày (làm liên tục trong 7 ngày), 2 lần/tuần khu vực xung quanh.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Yêu cầu các hộ nuôi nhốt, không thả rông, quản lý chặt chẽ đàn gia cầm và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo quy định.
Đặc biệt, để kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra - vào vùng có dịch, cơ quan chức năng đã thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu mối giao thông trên địa bàn thôn Phạm Dùng, xã An Hồng và thôn Đông Hải, xã An Hưng tiếp giáp với địa phương khác.
Tiến hành thống kê tổng đàn gia cầm nuôi trên địa bàn 2 xã An Hồng, An Hưng và các xã xung quanh. Từ đó tổng hợp số lượng gia cầm, thuỷ cầm chưa tiêm/đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm còn thời hạn/hết thời hạn bảo hộ miễn dịch theo quy định để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh.
Đối với các hộ chăn nuôi, cơ quan chức năng cùng yêu cầu các hộ tạm ngừng nuôi mới gia cầm, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, trên người (đặc biệt tại các hộ có gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do dịch) để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh, báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi & Thú y, cơ sở Y tế, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Thực hiện không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín; khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng.
Người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển, nơi giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Khánh Chi
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão