Dự án nâng cấp NMN An Dương: Cung cấp nước sạch tiêu chuẩn quốc tế

18:11 04/12/2014

 

Chuyên gia Nhật Bản giải trình kinh tế
Chuyên gia Nhật Bản giải trình kinh tế

Sáng 3-12, đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về chuẩn bị cho Dự án nâng cấp Nhà máy nước (NMN) sạch An Dương bằng nguồn vốn không hoàn lại của Nhật Bản.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng vào giữa năm 2014 vừa qua, JICA đã nhất trí dành một khoản viện trợ không hoàn lại khoảng 15 triệu USD cho dự án xây dựng bể lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF), công suất 100.000m3/ngày tại Nhà máy nước An Dương với công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản, xử lý chất hữu cơ bằng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF) thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội tốt trong việc nâng cao chất lượng, đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững phục vụ sản xuất sinh hoạt của thành phố.

Thành phố Hải Phòng được phía nước bạn Nhật Bản quan tâm đầu tư không hoàn lại việc thử nghiệm U-BCF và đưa vào áp dụng hiệu quả ngay tại các NMN An Dương và Vĩnh Bảo. Việc này được thực hiện từ tháng 6-2011, do JICA hỗ trợ tài chính và các chuyên gia Cục cấp nước Kitakyushu hướng dẫn kỹ thuật, vận hành, đã lắp đặt thí nghiệm 2 cột lọc U-BCF (cột lọc A và B) tại vị trí nước nguồn vào trước cụm xử lý NMN An Dương. Tiếp đó, tháng 6-2012, Cty Cấp nước HP cũng đã lắp đặt 2 cột lọc U-BCF tại NMN Vĩnh Bảo.

Đặc biệt năm 2013, dưới sự giám sát của Cty Kobelco (Nhật Bản), việc áp dụng xây dựng, vận hành bể lọc U-BCF công suất 5.000m3 tại NMN Vĩnh Bảo đã thành công, chất lượng nước nâng lên rõ rệt.

Về Dự án Xây dựng bể lọc công suất 100.000m3/ngày, công nghệ U-BCF từ nguồn vốn không hoàn lại của Nhật Bản tại Nhà máy nước An Dương, tháng 8-2014, JICA đã thành lập đoàn công tác và cơ quan tư vấn NJS (Nhật Bản) đến thành phố khảo sát thực tế chuẩn bị cho công tác đầu tư. Từ ngày 29-11 đến 5-12-2014, Đoàn công tác của JICA làm việc tại Hải Phòng với mục đích trao đổi về Dự thảo báo cáo cuối cùng, thống nhất một số vấn đề liên quan đến quy mô, kỹ thuật, hạng mục công trình thuộc dự án trước khi ký hiệp định tài trợ.

Phối cảnh dự án
Phối cảnh dự án

 Theo Dự thảo báo cáo cuối cùng, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 15,5 triệu đô-la Mỹ; trong đó vốn xin viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Nhật Bản là 15 triệu đô-la Mỹ, vốn đối ứng của thành phố là 500.000 đô-la Mỹ. Các hạng mục đầu tư bao gồm xây dựng bể lọc nước U-BCF công suất thiết kế 100.000m3/ngày tại NMN An Dương (trên diện tích đất là 3.570m2), lắp đặp thêm 1 trạm bơm đầu vào, xây dựng  trung tâm điều khiển điện năng tại Nhà máy nước Quán Vĩnh, lắp đặt thiết bị đo mực nước; xây dựng hệ thống đường ống dẫn và hạng mục quản lý, duy tu điều hành.

Trong đó 3 hạng mục buộc phải phụ thuộc nước bạn Nhật Bản gồm: hệ thống ống dẫn bằng gang, máy bơm và thiết bị giám sát. Về tiến độ thực hiện dự án, JICA sẽ hoàn thành báo cáo cuối cùng của dự án trong tháng 2-2015 và theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Hiệp định tài trợ sẽ được ký trong tháng 3-2015. Sau đó cơ quan tư vấn NJS sẽ tiến hành thiết kế chi tiết, thành phố tiến hành mở thầu xây lắp với thời gian thi công tối thiểu là 30 tháng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2017. Đối tượng được hưởng lợi từ dự án bao gồm toàn bộ nhân dân, cơ quan, xí nghiệp, KCN thuộc địa bàn 4 quận trung tâm là Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và một phần quận Dương Kinh với khoảng 800.000 - 1.000.000 người sinh hoạt.

Theo ông Vũ Hồng Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng: Sản lượng đang sản xuất của công ty đạt từ 180.000 - 200.000m3/ngày cung cấp nước sạch cho khoảng 1,1 triệu người ở khu vực đô thị và lân cận. Hiện nay, để xử lý chất hữu cơ, các nhà máy nước đang sử dụng Clo để khử trùng. Quy trình giám sát nước hàng ngày luôn đạt 17 chỉ tiêu, năm 2014 cả 109 tiêu chí về chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia. Nếu dự án bể lọc U-BCF hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, nước sạch trên địa bàn thành phố sẽ vươn lên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn nhận định: Biến đổi khí hậu gây ra triều cường, ngập mặn và ô nhiễm khá nghiêm trọng các con sông, sự phát triển công nghiệp, đô thị diễn ra nhanh chóng mà khả năng kiểm soát nước thải và các chất thải rắn còn hạn chế. Điều này dẫn đến tốc độ làm ô nhiễm các nguồn nước của thành phố nhanh và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ.

Việc áp dụng bể lọc U-BCF là một giải pháp hữu hiệu góp phần ứng phó với ô nhiễm nguồn nước.  Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ xử lý nước U-BCF đang được đánh giá là công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới, đánh dấu một bước tiến mới, bền vững trong quá chăm lo đời sống dân sinh của thành phố. Để không bỏ lỡ cơ hội, các sở, ngành chức năng tích cực phối hợp với đơn vị chủ đầu tư dự án (Cty Cấp nước Hải Phòng) chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho dự án ngay từ năm tới (2015).

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích