Du lịch Hải Phòng đặt niềm tin vào tương lai

11:13 01/08/2017

Nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, đồng thời cũng là vùng đệm giữa vòng cung Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, có hơn 125km bờ biển, nơi hội tụ của đa số các dòng sông phía Bắc đổ ra, Hải Phòng ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành…

Nguồn di sản vô giá

 Nhìn từ góc độ tự nhiên, lợi thế cạnh tranh của du lịch Hải Phòng đã rất rõ. Trong đó, Cát Bà nổi tiếng với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển từ tháng 12-2004. Cát Bà có nhiều loài động thực vật tầm giá trị toàn cầu, tiêu biểu là 3.860 loài trên cạn và dưới nước, có tới 130 loài được đưa vào “sách đỏ”, đặc biệt voọc đầu trắng đặc hữu trên thế giới chỉ còn phân bố duy nhất ở Cát Bà.

Chưa kể hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất Châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Điều quan trọng là, qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính nguyên thủy, tạo sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. 

Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy, sự hấp dẫn của Đồ Sơn mang sắc thái đặc trưng thuần túy của du lịch biển, với mọi sự thưởng ngoạn đều gắn với biển.

Riêng bãi biển Đồ Sơn với những dải cát mịn, bằng phẳng, mà khoảng có thể khai thác thành bãi tắm đã tới gần 5km, là một trong những bãi tắm tiềm năng được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Cách đây vài chục năm, khả năng khai thác đã tương đối triệt để, khi Đồ Sơn được chia làm 3 khu 1, 2 và 3, nhưng hiện nay do gặp vấn đề về môi trường nước, nên “nguồn vốn” tự nhiên này của Đồ Sơn bị bỏ phí phần lớn.

 Chưa hết, vùng đất cửa biển Hải Phòng còn lưu giữ khá nhiều những di sản lịch sử, văn hóa có giá trị. Hiện toàn thành phố có 470 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia là khu danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo).

Trong hàng trăm di tích cấp quốc gia khác và thành phố, nổi lên nhiều di sản vô giá như các lễ hội: chọi trâu (Đồ Sơn); đua thuyền rồng, vật cầu, minh thề (Kiến Thụy), hát đúm (Thủy Nguyên)… Đặc thù miền biển Hải Phòng cũng hình thành một nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn, hội tụ đủ đặc sản cả 3 vùng nước mặn - ngọt - lợ.

Hướng đi khởi sắc

 Có thể thấy, trong một thời gian dài du lịch Hải Phòng chỉ quen với việc khai thác những gì có sẵn, thì gần đây thành phố đã có nhiều đổi mới. Mà  dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng của tập đoàn VinGroup, đã biến đảo Vũ Yên từ một vùng rừng ngập mặn hoang hóa thành khu vui chơi giải trí, công viên sinh thái cao cấp, chỉ là một ví dụ điển hình.

Tính trong giai đoạn 2010-2016, Hải Phòng thu hút được 57 dự án đầu tư vào các lĩnh vực du lịch. Đơn cử như Đồ Sơn, nhiều dự án lớn được đầu tư nhằm đánh thức tiềm năng trù phú của miền đất này.

Những con đường mới mở đưa du khách xuyên rừng, bám núi, tạo thêm nhiều điểm đến mới khiến du lịch Đồ Sơn càng thêm hút khách. Cùng với đó là những khu sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều, nổi bật là sân golf 18 hố mới được đổi tên là “BRG Ruby Tree Golf Resort”; khu Resort Hòn Dáu với hàng trăm công trình nhân tạo hấp dẫn… Sắp tới, dự án khổng lồ với vốn đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng của tập đoàn Him Lam, sẽ biến đảo Dáu trở thành viên ngọc thực sự, khi các tour du lịch cao cấp và chuỗi nhà hàng, khách sạn, căn hộ, bãi tắm, khu công viên nước và nhiều dạng hình vui chơi giải trí khác... được đưa vào khai thác.

Ở Cát Bà, dự án của SunGroup hứa hẹn một hướng tiếp cận cởi mở đối với kho tàng thiên nhiên vô giá này. Khởi hành từ đảo Cát Hải, hệ thống cáp treo sẽ đưa du khách qua 5 điểm đến.

Mỗi điểm đến, SunGroup sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục để du khách trải nghiệm những vẻ đẹp kỳ thú, khám phá các phân vùng tự nhiên bằng đường giao thông nội đảo thân thiện môi trường, làm sinh động hơn sự cảm nhận về rừng quốc gia, hang động, làng cổ Việt Hải, rừng ngập mặn, điểm cắm trại, nông trại… Đặc biệt, ở mỗi tuyến khám phá, SunGroup đều đầu tư hệ thống lưu trú như khách sạn trong rừng, nhà nghỉ dã ngoại, trại sinh thái, nhà nghỉ dưỡng, biệt thự nổi, sân golf, du thuyền… phục vụ đa dạng đối tượng du khách.

Bên cạnh việc đầu tư các dự án lớn, Hải Phòng cũng đang nỗ lực các hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối các phân vùng như việc liên thông giữa Cát Bà và Hạ Long (Quảng Ninh), mở đường bay Cát Bi - Đồng Hới…

Cần hơn sự bứt phá

 Có thể thấy, những năm gần đây du lịch Hải Phòng có sự chuyển mình khá ấn tượng. Riêng năm 2016 vừa qua thành phố đón 5,96 triệu lượt khách, đạt tổng doanh thu khoảng 2.374 tỷ đồng. Mặc dù vậy, trong buổi làm việc gần đây với lãnh đạo thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dù tiềm năng rất lớn nhưng khai thác du lịch Hải Phòng vẫn chưa thực sự hiệu quả, đóng góp của ngành du lịch vào tổng thể còn rất hạn chế, không tương xứng với những gì đang sở hữu.

 Nhiều hạn chế đã được chỉ ra, chẳng hạn như cơ sở lưu trú, mặc dù thành phố đang có 427 cơ sở với 9.303 phòng nghỉ, nhưng mỗi lần có sự kiến lớn (đơn cử như lễ hội Hoa Phượng Đỏ vừa diễn ra), việc bố trí cho các đoàn khách đến Hải Phòng vẫn bộc lộ bất cập. Các cơ sở vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm còn manh mún, hệ thống chợ truyền thống phần nhiều hỗn độn, không đủ để thỏa mãn yêu cầu của cư dân tại chỗ, chưa nói đến phục vụ khách du lịch. Trong khi đó, chất lượng hạ tầng và phương tiện giao thông phục vụ du lịch cũng còn yếu, chưa tạo ra sự bứt phá.

Về nhân lực, hiện Hải Phòng có 64 doanh nghiệp lữ hành, với đội ngũ 113 hướng dẫn viên, cùng hàng nghìn lao động liên quan, nhưng theo đánh giá của ngành du dịch, thành phố còn thiếu lực lượng nhân lực du lịch chất lượng cao, nhất là người giỏi về quản lý, ngoại ngữ, hướng dẫn và điều hành chuyên môn...

 Gần đây, những vấn đề liên quan đến môi trường cũng được nhắc đến nhiều, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học được thành phố quan tâm, nhưng quá trình thực hiện chưa thực sự đem lại hiệu quả. Điều đáng nói, việc quy hoạch gặp nhiều lúng túng, mâu thuẫn và manh mún giữa các dự án đan xen công nghiệp - dịch vụ - du lịch - thủy lợi - nông nghiệp - thủy sản - văn hóa xã hội... Nhiều công trình dự án không những xâm hại đến giá trị đa dạng sinh học, mà còn làm cho bản đồ du lịch thành phố bị nham nhở. Đây là một bài toán còn nhiều ẩn số, đòi hỏi thành phố cần đề ra những giải pháp mạnh mẽ hơn giữa bảo tồn và phát triển.

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP vừa diễn ra, một đề án quan trọng về “nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” đã được đệ trình. Hy vọng với động thái này, trong tương lai không xa, du lịch Hải Phòng sẽ thực sự bứt phá, trở thành mũi nhọn phát triển của kinh tế thành phố, khẳng định vị thế trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông