Ghép khí quản lai - Thành tựu y học chấn động

03:58 25/11/2008

Nội dung Lần đầu tiên trên thế giới một bệnh nhân được cấy ghép bộ phận cơ thểmà không cần tiêm thuốc chống đào thải. Đây được xem là thành tựu chấnđộng nền y học thế giới của các bác sỹ tại Bệnh viện Barcelona (Tây BanNha).

Nội dung

Lần đầu tiên trên thế giới một bệnh nhân được cấy ghép bộ phận cơ thểmà không cần tiêm thuốc chống đào thải. Đây được xem là thành tựu chấnđộng nền y học thế giới của các bác sỹ tại Bệnh viện Barcelona (Tây BanNha).

Mẹ con chị Claudia Castillo
Mẹ con chị Claudia Castillo

Ghép bộ phận cơ thể của một người hiến tặng sang cho bệnh nhân cần thay thế bộ phận ấy giờ đây đã trở nên hết sức bình thường. Công nghệ y học hiện đại đã giúp con người được ghép tim, ghép gan, thận và nhiều nội tạng khác. Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi được ghép phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời.

Lý do là hệ miễn dịch của con người luôn coi bộ phận mới là "kẻ lạ mặt, phải tống khứ đi". Trong khi đó, thuốc chống thải ghép rất đắt, uống suốt đời có khi còn đắt hơn cả tiền phẫu thuật cấy ghép. Đó là chưa kể những tác dụng phụ của thuốc đối với sức khoẻ người bệnh, như hủy diệt hệ miễn nhiễm, gây huyết áp cao, suy thận, ung thư...

Trong ca ghép khí quản ở Tây Ban Nha nói trên, người được ghép là  chị Claudia Castillo, 30 tuổi, người Colombia, có 2 con, sống ở Barcelonasd. Sau nhiều năm bị bệnh lao, nhánh khí quản lá phổi bên trái của Castillo bị teo và hỏng hồi tháng 3. Cô không đủ sức chăm sóc con và phải thường xuyên đến bệnh viện để thông đường hô hấp. Tháng 3 năm nay, các bác sĩ định cắt bỏ phổi trái của người phụ nữ này, nhưng bác sĩ Paolo Macchiarini, trưởng khoa phẫu thuật ngực tại Bệnh viện Barcelona đã đề xuất nên giữ lại phổi và cấy ghép khí quản cho chị.

Để thực hiện ca cấy ghép, các bác sĩ đã tiếp nhận khí quản từ một người hiến tặng vừa qua đời. Nó được các nhà khoa học ở Đại học Padua (Italia) dùng hóa chất và enzyme mạnh loại bỏ toàn bộ tế bào, chỉ giữ lại khung mô liên kết từ sợi collagen của khí quản này. Để dễ hình dung, độc giả có thể lấy hình ảnh về một quả mướp chỉ còn khung xơ nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu.




Tiếp tục, các bác sĩ ở Đại học Bristol (Anh) lấy hai loại tế bào từ cơ thể chị Castillo, gồm tế bào trên khí quản của chị và tế bào gốc lấy từ tủy xương. Từ nguyên liệu này, họ nuôi cấy ra hàng triệu tế bào mô và sụn. Sau đó các chuyên gia Đại học Milan thực hiện nhiệm vụ cấy tế bào lên khung mô khí quản trên. Sau bốn ngày nuôi khí quản đoạn khí quản "lai" dài 5cm này trong phòng thí nghiệm, các bác sĩ đã cấy ghép nó cho Castillo. Ca phẫu thuật được thực hiện hồi tháng 6-2008 và bệnh nhân xuất viện sau đó 10 ngày.

Sau một tháng, những kiểm tra sinh thiết cho thấy đoạn khí quản lai đã phát triển hệ thống các mạch máu của riêng nó.  Tới nay, qua theo dõi, các bác sỹ nhận thấy không có dấu hiệu thải ghép ở chị Castillo. Nói cách khác, cơ thể chị đã bị đánh lừa rằng đoạn khí quản là "bộ phận cũ của cơ thể, không phải vật lạ".

Hiện chị Castillo đang sống một cuộc sống bình thường và có thể chăm sóc hai con Johan, 15 tuổi và Isabella, 4 tuổi. "Tôi từng là một phụ nữ bệnh tật, giờ đây tôi đã có thể sống một cuộc sống bình thường" - chị nói. Minh chứng là chị có thể đi bộ mà không bị hụt hơi như trước, thậm chí là khiêu vũ suốt tối mà không thấy khó thở. 

Theo tiến sĩ Paolo Macchiarini, khả năng thải ghép ở Castillo gần như là 0% sau khi cô đã sống bình thường 4 tháng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói, quá trình hồi phục vẫn cần được theo dõi trong khoảng 3 năm để xem cấu trúc sụn của khí quản có vững chắc và không bị tách rời. Thành quả này (trước kia mới chỉ thí nghiệm trên lợn) đã mở ra triển vọng điều trị cho các trẻ em bị khuyết tật hô hấp bẩm sinh, cả cho người lớn bị dị tật hoặc khối u đường thở, bị hỏng khí quản. Ngoài ra, trong tương lai, kỹ thuật mới này còn có thể dùng để tạo ra các cơ quan mới từ chính tế bào gốc của bệnh nhân.

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông