22:31 23/11/2024 Tính đến năm 2024, tỉnh Hải Dương đã phát triển 351 sản phẩm OCOP, bao gồm 118 sản phẩm OCOP 4 sao; 231 sản phẩm OCOP 3 sao.
Tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp, thủ công và đặc sản địa phương. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP giúp tỉnh tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mang tính đặc trưng vùng miền, qua đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Điển hình, tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), nghề khai thác rươi có từ lâu và được người dân nơi đây ví rươi như là "lộc trời". Rươi của huyện thường được phân phối đi các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM và được xuất khẩu. Hiện toàn huyện có khoảng 500 ha diện tích khai thác rươi, tập trung ở các xã ven sông Thái Bình như An Thanh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Quang Trung, Bình Lãng, vào thời điểm tháng 9 - 11 âm lịch là thời điểm người dân khai thác rươi chính vụ. Sản phẩm rươi cấp đông của huyện Tứ Kỳ từ năm 2019 đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Sau khi được chứng nhận, khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tìm mua nhiều hơn.
Tương tự, TP Chí Linh cũng gặt hái được nhiều thành công trong phát triển các giống cây chủ lực như na, nhãn, vải, thanh long cho năng suất và chất lượng cao. Trên toàn TP hiện có 41 sản phẩm tiêu biểu được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; có 51 vùng trồng, xuất khẩu nông sản được cấp mã số sang thị trường các nước Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Newzealand, Úc, Trung Quốc. Đến nay Chí Linh đã tạo lập được 3 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp như: Nhãn hiệu gà đồi Chí Linh, na Chí Linh, nhãn Chí Linh…được người dân trong tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung biết đến qua các kênh phân phối tại các siêu thị, trung tâm thương mại, trên các sàn giao dịch điện tử.
Tại huyện Gia Lộc, Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (Xuyên Việt Coop), là một trong những mô hình nổi bật trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng thủy sản công nghệ cao, góp phần làm nâng cao vị thế của ngành thủy sản trong nước. Được thành lập từ năm 2011, Xuyên Việt Coop đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp đa dạng các dịch vụ chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, như: cung ứng sản phẩm và kinh doanh đầu vào cho các hệ thống farm nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ bao tiêu và kinh doanh đầu ra cho các hệ thống farm nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ quy hoạch vùng nuôi và farm nuôi với quy mô lớn; Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho các hệ thống farm nuôi trồng thủy sản… Đến nay, Hợp tác xã đã sản xuất được 6 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm từ các đối tượng gia tăng từ cá. Các sản phẩm của Xuyên Việt đã được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị, dần được khách hàng ưa chuộng, sử dụng.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Hải Dương là địa phương có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Ổi, cam, na, nhãn, nấm, chim bồ câu, rươi... Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đạt được kết quả tốt, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở tích cực tổ chức và hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh kết nối thông tin giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt hơn ở trong và ngoài nước. Đến nay, Hải Dương có 80 sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận OCOP, chiếm 22,6% tổng số các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, còn lại là các sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu như cà rốt tươi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp các xã Đức Chính, Cẩm Văn (Cẩm Giàng); rươi, cáy cấp đông của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh (Tứ Kỳ); gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Dịch vụ phường Văn An, An Lạc (Chí Linh); dưa lưới của Hợp tác xã Âu Việt Farm (Kim Thành); bánh đa của Hợp tác xã sản xuất và đóng gói bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương)…
Tuy nhiên, bà Lương Thị Kiểm cho hay, chương trình OCOP tỉnh Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn do một số địa phương chưa xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực cho nên chưa quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện; nội dung chương trình OCOP mới, đa dạng cho nên ở một số nơi việc nắm bắt chưa đầy đủ, triển khai lúng túng; các sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng chủ yếu đầu tư ở khâu mẫu mã, bao bì, chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP chủ yếu ở trong nước.
Được biết, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu hằng năm phấn đấu ít nhất 50 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp khoảng 10% sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các chủ thể của các sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0... Hỗ trợ các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây chính là trợ lực phù hợp để khuyến khích và kêu gọi sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các chủ thể, góp phần nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP.
THỦY NGUYÊN