Hải Phòng tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm

15:04 18/11/2022

Theo thông lệ, những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật sẽ gia tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Giai đoạn này cũng là thời điểm diễn biến thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các mầm bệnh động vật có điều kiện phát triển, lây lan, gây bệnh. Trong khi đó, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn.

Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trên phạm vi cả nước nói chung, tại Hải Phòng nói riêng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi an toàn sinh học còn rất hạn chế… Tất cả những yếu tố trên là nguy cơ khiến cho các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi có điều kiện bùng phát, lây lan, gây hại cho đàn vật nuôi.

Chủ động tiên vắc xin cho đàn gia cầm

Tại Hải Phòng, theo thông kế của Chi Cục Chăn nuôi & Thú y thành phố, đã qua 18 tháng bệnh Viêm da nổi cục, 11 tháng bệnh Cúm gia cầm, hơn 6 tháng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế.

Tuy nhiên, kết quả giám sát chủ động phát hiện các loại mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm còn lưu hành trong 11 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố cho thấy: có 2,65% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm A/H5N1; 0,56% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm A/H5N8; 0,28% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm A/H5N6; 2,77% mẫu dương tính vi rút Dịch tả lợn Châu Phi, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh động vật xảy ra và lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi, an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Để tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật; thực hiện Chỉ thị số 7473/CT-BNN-TY ngày 8-11-2022 của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT thành phố vừa phát đi công văn đề nghị UBND các huyện, quận chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn; các ban ngành chức năng tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023.

 Phát động Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh động vật

Theo đó, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo các văn bản quy phạm pháp luật; các kế hoạch, quyết định của thành phố. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, các ban, ngành chức năng liên quan tăng cường giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các trường hợp động vật mắc bệnh, chết nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch lây lan gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi và sức khỏe nhân dân.

Bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi

Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò thành phố giao. Tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn vật nuôi đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng; đặc biệt đối với bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn ở gà, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trâu bò, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn, bệnh Dại.

Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp động vật ốm, chết nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; phát động triển khai Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn…

Bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi

Cùng với các địa phương, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố có trách nhiệm phối hợp đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Chuẩn bị dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh. Đồng thời thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại gốc theo quy định.

Riêng Thanh tra Sở NN&PTNT thì có trách nhiệm phối hợp với Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng, UBND các huyện, quận, tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của Chi cục Thú y/Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thành phố nơi xuất phát theo quy định.

Trung tâm Khuyến nông thành phố thì tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với UBND các huyện, quận tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi để phòng chống hiệu quả dịch bệnh.

Qua đó, góp phần bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích