Hải Phòng tập trung khống chế dịch bệnh thủy sản lây lan trên diện rộng

09:05 08/05/2020

Từ đầu tháng 4 đến nay, do điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến bất lợi khiến cho dịch bệnh phát sinh trên đàn tôm nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đang tiếp tục lây lan, chưa có chiều hướng thuyên giảm, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Thép kiểm tra các cơ sở nuôi tôm nhiễm bệnh

Trên 250 ha diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh

Theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố, tính đến thời điểm này, bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi đã xảy ra trên địa bàn 2 huyện/quận: Tiên Lãng và Dương Kinh, làm hơn 250 ha diện tích tôm nuôi của người dân bị nhiễm bệnh; trên 500 ha có nguy cơ nhiễm bệnh.

Cụ thể, tại huyện Tiên Lãng, dịch bệnh đã xuất hiện trên đàn tôm nuôi của xã Vinh Quang. Toàn xã có 508,12 ha diện tích tôm nuôi (trong đó, nuôi theo hình thức thâm canh 43,15 ha; bán thâm canh 3 ha; quảng canh 461,97 ha). Theo các hộ nuôi tôm: Từ đầu tháng 4, tại một số đầm nuôi, tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, xuất hiện các triệu chứng: đỏ thân, bơi dạt bờ, kém ăn, chết… Các hộ nuôi đều đăng ký ban đầu với UBND xã, tôm giống được mua từ Công ty Cổ phần CP Quảng Bình, Ninh Thuận và các cơ sở ương nuôi tôm giống tại quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Thép kiểm tra các cơ sở nuôi tôm nhiễm bệnh

Ngày 14-4, ngay sau khi nhận được báo cáo về tình hình dịch bệnh phát sinh trên diện tích tôm nuôi của BCĐ phòng chống dịch huyện Tiên Lãng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & Thú y phối hợp BCĐ phòng, chống dịch bệnh huyện Tiên Lãng kiểm tra thực tế tại 9 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Vinh Quang.

Đơn vị đã tiến hành lấy 17 mẫu tôm tại 9 hộ này gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y TW xét nghiệm, xác định nguyên nhân.

Kết quả xét nghiệm phát hiện 17/17 mẫu dương tính vi rút gây bệnh Đốm trắng (WSSD), 3/17 mẫu dương tính với vi khuẩn gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), 3/17 mẫu dương tính với vi khuẩn vibrio paraheamolyticus.

Tính đến ngày 21-4, trên địa bàn xã Vinh Quang đã có 15 ha diện tích tôm nuôi của 11 hộ dân bị mắc bệnh; diện tích có nguy cơ mắc bệnh là 340,6 ha, ước tính thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại quận Dương Kinh, dịch bệnh xảy ra trên diện tích tôm nuôi  thuộc phường Tân Thành khá lớn, chiếm gần 60% tổng diện tích. Hiện, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn phường đạt gần 400 ha (95 ha diện tích nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng và 303,5 ha diện tích nuôi sú quảng canh); trong đó có 174,07 ha thuộc phường Tân Thành quản lý và 224,434 ha thuộc Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy quản lý.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Thép kiểm tra các cơ sở nuôi tôm nhiễm bệnh

Ngày 21-4, sau khi nhận được báo cáo về tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi của BCĐ phòng chống dịch quận Dương Kinh, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã tiến hành kiểm tra thực tế, lấy mẫu tại 24 hộ nuôi tôm gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y TW xét nghiệm. Kết quả cho thấy 19 mẫu dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng; 4 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trên tôm (EHP); 9 mẫu dương tính với vi khuẩn vibrio parahaemolyticus.

Tính đến ngày 27-4, theo báo cáo của UBND quận Dương Kinh, tổng diện tích tôm bị bệnh trên địa bàn quận đã lên tới 235,43ha. Trong đó có 80,186 ha thuộc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy (nuôi tại phường Tân Thành), 155,24 ha của các hộ nuôi tôm thuộc phường Tân Thành. Diện tích nuôi tôm nằm trong vùng có nguy cơ mắc bệnh là 163,08 ha.

Quyết liệt các biện pháp

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh trên đàn tôm nuôi, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & Thú y phối hợp BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh và các huyện, quận có diện tích nuôi tôm trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tiến hành xuất cấp hoá chất dự phòng chống dịch bệnh thủy sản hỗ trợ các địa phương chống dịch

Cụ thể: đối với các cơ sở nhiễm bệnh, ngành yêu cầu các địa phương tiến hành giám sát chặt chẽ cơ sở nuôi, hướng dẫn biện pháp khử trùng tiêu độc, tổ chức tiêu hủy ao tôm nhiễm bệnh, thu gom xác tôm chết chôn hủy theo quy định, không vận chuyển tôm nhiễm bệnh ra khỏi cơ sở. Đặc biệt, để tránh lây lan dịch bệnh ra phạm vi rộng, các cơ sở nuôi tuyệt đối không được xả thải nước từ cơ sở nhiễm bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ nước trong ao nuôi, dụng cụ liên quan bằng hóa chất có trong Danh mục được phép lưu hành, sử dụng trong nuôi thủy sản tại Việt Nam theo quy định của Bộ NN&PTNT như: Chlorine, Sodium chlorite, BKC.... Không thả nuôi mới tôm trong vùng bị bệnh. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Đồng thời, căn cứ tình hình dịch bệnh, có báo cáo đề xuất xin hỗ trợ hóa chất chống dịch của địa phương… Theo đó, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã tổng hợp đề xuất, báo Sở NN&PTNT xuất cấp 8.800 kg Chlorinemin từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ Hải Phòng phòng, chống dich bệnh động vật, trình UBND TP quyết định cho sử dụng nguồn hóa chất dự phòng chống dịch thủy sản, xuất cấp cho huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh.

Tiến hành xuất cấp hoá chất dự phòng chống dịch bệnh thủy sản hỗ trợ các địa phương chống dịch

Đối với các cơ sở nuôi ở khu vực xung quanh chưa có bệnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tăng cường tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở khi nhập thủy sản giống về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, báo cáo chính quyền địa phương kế hoạch nhập thủy sản giống. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đối với những hộ nuôi thủy sản. Hướng dẫn các hộ nuôi tăng cường chăm sóc, quản lý thủy sản, môi trường nuôi; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, quản lý ao nuôi chặt chẽ; không lấy nước chưa qua xử lý vào ao nuôi. Khi phát hiện ao nuôi thủy sản có dấu hiệu bất thường phải báo cáo chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi & Thú y, các hộ nuôi xung quanh để có các biện pháp xử lý kịp thời, không xả thải nước ra ngoài kênh mương chung làm lây lan dịch bệnh…

Được biết, để kịp thời hỗ trợ các hộ nuôi tôm thực hiện các biện pháp chống dịch, khống chế ngăn chặn dịch bệnh thủy sản lây lan gây tác hại trên diện rộng; Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND TP xuất cấp 20.000 kg hóa chất dự phòng chống dịch bệnh thủy sản hỗ trợ các địa phương chống dịch. Ngay trong ngày 29-4, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 về việc xuất cấp hóa chất hỗ trợ chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn thành phố.

Theo sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã tổ chức xuất cấp tới 2 địa phương có dịch nêu trên theo đúng số lượng được phân bổ. Cụ thể, Chi cục đã xuất cấp cho huyện Tiên Lãng 4.500 kg hóa chất; quận Dương Kinh 24.300 kg hóa chất (gồm Chlorine và sodium). Qua đó, giúp các địa phương kịp thời triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.

Công tác phòng chống, khoanh vùng, ngăn chặn dịch trên đàn tôm nuôi đang được các địa phương tích cực triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với ngành nuôi trồng thủy sản của thành phố.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích