Hải Phòng tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6

15:05 01/03/2020

Ngày 29-2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT, có buổi làm việc với UBN TP và các đơn vị, địa phương có liên quan về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố. Về phía thành phố, làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Đình Chuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố và các đơn vị liên quan. Trước khi bắt đầu buổi làm việc, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT thành phố, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố từ ngày 22-2-2019, tổng số lợn tiêu hủy do dịch là 183.149 con. Đến ngày 28-1-2020, đã qua 30 ngày, trên địa bàn thành phố không phát hiện lợn ốm chết và tiêu hủy do dịch.

Ngày 7-2-2020, UBND TP đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Đến tháng 2-2020, có 1.956 cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn, với quy mô 84.717 con. Từ đầu năm 2020 đến nay, đàn gia súc nuôi trên địa bàn thành phố phát triển ổn định, không phát hiện gia súc ốm, chết do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đối với bệnh cúm gia cầm, ngày 24-2-2020, bệnh cúm A/H5N6 xảy ra tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, trên đàn gia cầm của hộ ông Đinh Văn Tứ, tổng số 3.770 con vịt do chủ hộ nhập từ Thái Bình về nuôi, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đàn vịt chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.

Dịch bệnh cúm gia cầm A/HH5N6 từ đàn vịt nhà ông Tứ lây lan sang 2 hộ chăn nuôi lân cận. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật xã Tân Trào đã tiếp tục tổ chức tiêu hủy 6.720 con vịt tại thôn Kim Sơn. Cùng với đó, dịch Niu- cát - sơn cũng xảy ra trên đàn gà tại 1 hộ chăn nuôi ở thôn Hà Nhuận 2, xã An Hòa, huyện An Dương, buộc phải tiêu hủy 450 con gà ốm, chết bệnh…

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế tại xã Tân Trào (Ảnh Hồng Hải)

Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn; Nguyễn Đình Chuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố đều nhấn mạnh thời điểm rất hay phát sinh dịch bệnh động vật. Vì vậy, các đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp-TPNT cần chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, không để bị động, bất ngờ, đặc biệt làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm trước mùa dịch.

Hộ chăn nuôi xã Tân Trào, Kiến Thụy phun thuốc khử trùng bãi chăn thả gia cầm (Ảnh Hồng Hải)

Khi phát hiện đàn gia cầm hay đàn lợn bị dịch bệnh, người chăn nuôi phải phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xử lý ngay ổ dịch, không vứt xác động vật bị chết ra môi trường. Đối với việc chăn nuôi phải cơ cấu lại đàn lợn, đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường để tránh tình trạng cung vượt quá cầu; khuyến khích người chăn nuôi phát triển đàn gia cầm, đại gia súc thay thế đàn lợn; vận động doanh nghiệp có trách nhiệm với đầu ra của sản phẩm gia cầm và thịt lợn, để góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường hiện nay…

Hồng Hải

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông