Hàng loạt xe container Hải Phòng đắp chiếu

17:06 15/04/2014

 

 

Ông Tiến và phương tiện của mình đang chờ chính sách mới
Ông Tiến và phương tiện của mình đang chờ chính sách mới

Đã hơn 2 tuần nay, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa đứng ngồi không yên vì họ không thể thực hiện các hợp đồng vận chuyển hàng hóa bởi sợ bị phạt quá tải. Nguyên nhân theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải đường bộ Hải Phòng Lê Văn Tiến là do ngày 21-3-2014, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký ban hành Chỉ thị về việc đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm từ ngày 1-4-2014. Trong khi đó, có tới 60% sơ-mi rơ-moóc của Hải Phòng không đủ điều kiện chở hàng hóa đóng trong container xuất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam nên đành phải “đắp chiếu” nằm dài.

Câu chuyện từ thực tế

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng thừa nhận, tình trạng xe chở hàng quá trọng tải xảy ra khá phổ biến không riêng gì trên địa bàn Hải Phòng mà trên toàn quốc. Vậy nên, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21-3-2014 về việc “đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm” là một chủ trương đúng đắn, nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, qua đó giảm dần và tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ.

Ngay tại Hải Phòng, từ đầu tháng 4 đến nay, các lực lượng chức năng cũng đã thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe liên tục 24/24 giờ, trong đó tập trung trên các trục đường có lưu lượng xe quá tải lớn đi qua, đồng thời tổ chức tuần tra, xử lý nghiêm các xe tránh, vượt trạm kiểm tra tải trọng xe. Việc làm đó bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Mặc dù vậy, ông Tiến cũng nêu lên một thực trạng đáng buồn là đa số doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đang gặp rất nhiều khó khăn với câu chuyện về tải trọng xe và hàng. Đối với hàng hóa, các chủ hàng đóng hàng xuất nhập khẩu trong các container qua cảng đều tận dụng đóng hàng hết tải trọng cho phép và có container còn vượt thêm tỷ lệ phần trăm cho phép của các hãng tàu. Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về đóng trong container, nhất là thiết bị máy móc nên tải trọng phân bổ không đồng đều. Hoặc tạm nhập tái xuất chỉ mượn đường của Việt Nam xuất sang nước thứ 3 kẹp chì nguyên chiếc, khi hạ tải hàng đó sẽ không kiểm soát được.

Trong khi đó, hầu hết các sơ-mi rơ-moóc nhập khẩu và sản xuất trong nước đang lưu hành tại Hải Phòng với quy định cho phép tham gia giao thông tại các sổ kiểm định không đồng nhất, lại quá thấp, có tới 60% sơ-mi rơ-moóc không đủ điều kiện chở hàng hóa đóng trong container xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam…

Từ thực tế tải trọng phương tiện và hàng hóa, theo quy định về trọng tải được phép tham gia giao thông thì doanh nghiệp vận tải không thể chở quá 80% hàng hóa được đóng trong container theo tiêu chuẩn quốc tế (được phép nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam). Kể cả sơ-mi rơ-moóc loại 40 feet (3 cầu trục) chở 1 container 20 feet có khi cũng bị quá tải. Vì hiện nay, ở Việt Nam thường thì người ta đóng tối đa 28 tấn cho 1 container 20 feet (chưa kể trọng lượng vỏ container là 2,2 tấn) và hàng hóa đóng trong container 40 feet cũng là 28 tấn (chưa kể trọng lượng vỏ container là 4 tấn).

Chính vì thế khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao, bởi chiểu theo quy định xử phạt của cơ quan chức năng thì doanh nghiệp vận tải chở container nguyên chì (được đóng theo tiêu chuẩn quốc tế) gần như đều vi phạm. Không đủ tiền nộp phạt, vì thế nhiều doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động, dẫn đến việc giải tỏa hàng hóa tại các cảng, khu công nghiệp đang rất khó khăn, tình trạng ùn tắc hàng hóa là khó tránh khỏi.

Hướng mở nào cho doanh nghiệp vận tải?

Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng thì những quy định xử phạt về trọng tải đang thiếu sự đồng bộ, hợp lý giữa các nhà sản xuất xe, đóng hàng container và ngành giao thông. Còn doanh nghiệp vận tải thì “lực bất tòng tâm” vì tự mình không thể tạo nên sự thay đổi. Ông Tiến lý giải, để thực hiện các quy định về trọng tải xe, doanh nghiệp vận tải vừa phải tái cơ cấu lại đoàn xe, vừa bố trí xe cho phù hợp với chủng loại hàng hóa.

Song trong bối cảnh hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đều thiếu vốn, các loại thuế, phí, xăng dầu tăng cao nên không dễ gì để đầu tư một lúc được. Trong khi đó, hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài đóng trong container đã kẹp chì nên không thể hạ tải được. Điều đó tạo nên một vòng luẩn quẩn gây bất lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ.

Nhiều phương tiện vận tải container khó tránh khỏi bị phạt vì quá tải trọng
Nhiều phương tiện vận tải container khó tránh khỏi bị phạt vì quá tải trọng

Việc chưa thể đầu tư mua xe mới, nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách để vượt qua các trạm cân, kể cả các hành vi tiêu cực, ẩn họa tiêu cực và ùn tắc giao thông. Cho nên, điều mà các doanh nghiệp vận tải mong muốn là các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giao thông cần đưa ra một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, bởi việc xử phạt thực ra chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ chưa thể giải quyết được phần gốc của xe quá khổ, quá tải.

Ông Tiến còn cho rằng, các cơ quan chức năng cần linh hoạt trong xử lý việc cân đầu trục cho các xe ô tô đầu kéo, kéo theo rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc chở container vì trọng lượng hàng trong container có thể được xếp không đồng đều mà các doanh nghiệp vận tải không thể kiểm tra được và các kiện hàng không thể tháo rời, cắt rời ra được; cho phép ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc được chở hàng theo trọng tải thiết kế của nhà sản xuất nhưng tổng trọng lượng toàn bộ không vượt quá tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ được quy định theo Thông tư 07/2010/TT-BGTVT ngày 11-2-2010 và Thông tư 03/2011/TT-BGTVT ngày 22-10-2011 của Bộ GTVT.

Trước mắt, để tránh hàng loạt xe không hoạt động được dẫn đến ứ đọng hàng hóa, ngành GTVT có thể tạm thời quy định trọng tải cho phép tham gia giao thông của sơ-mi rơ-moóc bằng trọng tải thiết kế của nó, sao cho tổng tải trọng xe được phép tham gia giao thông không vượt quá 10% tải trọng cầu đường cho phép và cho phép các sơ-mi rơ-moóc có niên hạn sử dụng trên 20 năm được cải tạo nâng cấp để được kiểm định 6 tháng 1 lần.

Còn về lâu dài, đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu các chủ hàng đóng hàng container cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải thực hiện theo đúng trọng tải được chở của các phương tiện đầu kéo, kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc. Đề nghị Bộ GTVT công bố hàng hóa tải trọng hàng hóa container được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam và chỉ đạo các đơn vị cảng biển, các cty xuất nhập khẩu, các đơn vị bốc xếp, các cụm công nghiệp, các kho hàng, chủ hàng không nhập, xuất các hàng container có tải trọng quá quy định.

ĐỨC TÙNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích