Hành trình gieo mầm thiện

16:32 26/02/2011

Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ quản giáo tại phân trại 1, Trại giam Xuân Nguyên, đại uý Đào Thị Khương tưởng rằng mình không thể bám trụ được với nghề, bởi quản lý, giáo dục phạm nhân là công việc rất vất vả. Song, bằng tâm huyết, tính kiên trì, suốt 14 năm làm quản giáo, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần gieo “mầm thiện” cho những mảnh đời đã một thời lầm lỗi…
Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ quản giáo tại phân trại 1, Trại giam Xuân Nguyên, đại uý Đào Thị Khương tưởng rằng mình không thể bám trụ được với nghề, bởi quản lý, giáo dục phạm nhân là công việc rất vất vả. Song, bằng tâm huyết, tính kiên trì, suốt 14 năm làm quản giáo, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần gieo “mầm thiện” cho những mảnh đời đã một thời lầm lỗi…

Nữ phạm nhân trong đội thêu, móc tại Trại giam Xuân Nguyên
Nữ phạm nhân trong đội thêu, móc tại Trại giam Xuân Nguyên

Mặc dù đã được chỉ huy phân trại giới thiệu tấm gương điển hình nhưng khi gặp chúng tôi, chị Khương vẫn ngần ngại, khiêm tốn khi nói về công việc của mình. Chị nở nụ cười hiền rồi tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Cảnh sát năm 1997, tôi được cử về công tác tại phân trại 1 của Trại giam Xuân Nguyên, rồi được giao nhiệm vụ quản lý đội thêu, móc của nhóm phạm nhân số 25. Điều đặc biệt là trong đội tôi quản lý có nhiều nữ phạm nhân khá “dầy” tiền án. Với tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, nên lúc mới bắt nhịp vào công việc, tôi khá lúng túng, nhiều lúc muốn xin chuyển sang một công việc khác. Song, được sự động viên, giúp đỡ của ban giám thị và đồng đội, tôi dần tự tin, xử lý tốt các tình huống và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi phạm nhân được đưa vào đội quản lý, giáo dục đều mang bản án và hoàn cảnh phạm tội cũng như gia cảnh khác nhau. Do vậy, diễn biến tâm lý của phạm nhân phức tạp, bởi khi vào trại đã mất quyền công dân, xa gia đình nên rất thiếu thốn tình cảm. Họ xấu hổ, mặc cảm và ân hận về tội lỗi do mình gây ra nên một số phạm nhân có biểu hiện không ăn, không ngủ, lo lắng dẫn đến cơ thể bị suy nhược. Không ít phạm đã vào tù, ra tội nhiều lần, tỏ ra ngông nghênh, đôi lúc còn lăng mạ cán bộ quản giáo và không chấp hành nội quy của trại.

Chị Khương kể: Đặc thù công việc phải tiếp xúc với phạm nhân phức tạp như vậy, nên người quản giáo đội sản xuất chẳng khác nào người chủ gia đình, vừa quản lý, giáo dục, vừa hướng dẫn dạy nghề và theo dõi di biến động của phạm nhân. Để cảm hóa họ, người quản giáo không thể máy móc, làm việc theo kiểu mệnh lệnh nhất là với những can phạm đặc biệt, mình phải gần gũi, chia sẻ và tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng; đồng thời phải nắm bắt những diễn biến tư tưởng của các phạm nhân, từ đó có biện pháp động viên kịp thời và phù hợp, để họ vươn lên chấp hành tốt nội quy cải tạo, hàng năm được bình xét giảm hình phạt.
Phạm nhân Doãn Thu Hường, có biệt danh là “Hường điên”, quê ở Thanh Nhà, Hà Nội, đang thụ án 12 năm do phạm tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”.

Gần 2 năm cải tạo tại Trại giam Xuân Nguyên, Hường đã phải chuyển qua 5 - 6 đội bởi rất ngang bướng, khó bảo. Khi về đội sản xuất 25 do chị Khương quản lý, Hường vẫn vậy. Không biết bao lần Hường bị Ban giám thị gọi lên viết kiểm điểm cá nhân, nhưng cô ta vẫn không tiến bộ. Thấy vậy, chị Khương suy nghĩ: phải thuyết phục phạm nhân này bằng cái tâm và cái tình. Chị kiên trì thuyết phục, ân cần dạy bảo cô ta như một người chị gái, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, rồi động viên để Hường nhận ra lẽ phải, phấn đấu cải tạo tốt để mong một ngày gia đình được đoàn tụ. Đúng là “mưa dầm thấm đất”, với sự dìu dắt của chị Khương, phạm nhân Hường đã có nhiều tiến bộ, ít nói bừa bãi và không gây sự. Khi hiểu ra, Hường rất cảm động xin được gặp và nhận lỗi với quản giáo Khương vì trước đây đã có nhiều việc làm sai trái.

Trong số 33 phạm nhân chị Khương đang quản lý tại đội thêu, móc thì có 80% phạm nhân mang án ma túy và quá nửa số phạm nhân mang án chung thân; 8 phạm nhân mắc HIV/AIDS và nhiều phạm nhân mắc bệnh lao phổi. Đặc thù công việc cải tạo của đội phải tiếp xúc với dao, kéo nên nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội là rất cao. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các phạm nhân, chị Khương thường xuyên tuyên truyền các kiến thức cơ bản về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tạo tính cẩn thận cho các phạm nhân trong quá trình cải tạo tại đội. Có phạm nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối nên rất tuyệt vọng, thường xuyên la hét, gào khóc. Bằng cái tâm giữa con người với con người và tình thương, trách nhiệm, chị Khương động viên để giúp phạm nhân an tâm điều trị bệnh, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và hòa nhập với các phạm nhân cùng buồng.

Trong cuộc sống gia đình, chị Khương luôn là người vợ đảm, người mẹ hiền của 2 đứa con ngoan, học giỏi. Chồng chị cũng là một cán bộ công an nên rất cảm thông và chia sẻ với chị. Do đặc thù công việc phải đi sớm về muộn, lúc nào cũng bận rộn như con thơ nên chị Khương phải sắp xếp cộng việc gia đình một cách khoa học để không bị ảnh hưởng đến chuyên môn. Chị Khương tâm sự: “Tôi may mắn có được người chồng tâm lý, tốt bụng và một gia đình hạnh phúc. Đó là điểm tựa vững vàng để tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ…”. Trong suốt 14 năm làm công tác quản giáo, với sự nhiệt tình, tâm huyết với nghề, nữ quản giáo Đào Thị Khương được đồng nghiệp tin yêu, phạm nhân nể phục.

Đối với chị, điều quan trọng nhất để gieo “mầm thiện” trong các lòng những người có tội lỗi quả là việc khó. Bởi vậy người quản giáo phải luôn sống đúng mực, am hiểu và độ lượng, trong công việc phải dứt khoát, rõ ràng để phạm tin tưởng vào mình. Có như vậy phạm nhân mới tin cậy, lắng nghe sự chỉ bảo, giáo dục… và “mầm thiện” mới “nảy” được trong lòng họ.

HỒNG HẢI


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông