Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ (NĐ71/CP) sửa đổi, bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 10-11, quy định chế tài xử lý đối vớihành vi vi phạm điều khiển xe ô tô, mô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố với mức tăng từ 3-9 lần so với trước đây.
| |
Tuy nhiên, để thực thi được chế tài này, cả lực lượng chức năng và người tham gia giao thông đều lúng túng. Nguyên nhân là do hiện trạng hầu hết các tuyến đường giao thông đều không được sơn phân làn một cách thường xuyên, rất khó để có thể phân định được làn đường, chiều đường….
Khu vực nội thành Hải Phòng (gồm 7 quận) có 221 tuyến đường phố chính, với tổng chiều dài là 313km, diện tích mặt đường là 3.268.500m2, nếu căn cứ vào đơn giá bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được ban hành theo QĐ số 2167/QĐ-UBND ngày 17-12-2008 của UBND thành phố thì mỗi năm công việc sơn kẻ phân làn lòng đường, vỉa hè, ngã tư phải được thực hiện ít nhất 1 lần. Cụ thể, vạch sơn màu trắng, bản rộng vạch (chiều ngang) từ 20-22cm, độ dày từ 1,5-2mm, đơn giá sơn kẻ 1km đường là 2.730.000 đồng. Theo đó, để đáp ứng được một cách cơ bản yêu cầu sơn kẻ phân làn đường, phân chia phần vỉa hè cho người đi bộ và sơn vạch dừng xe, lối đi của người đi bộ qua đường tại các khu ngã tư cho 313km đường và 2.500-3.00m cầu phải cần số tiền 25-28 tỷ đồng.
Thực tế, vốn đầu tư cho hạng mục sơn kẻ phân làn đường năm 2012 từ 2 nguồn, cụ thể: Vốn sự nghiệp phân bổ cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì, sửa chữa đường với số chi 1,5-2 tỷ đồng, mức độ đáp ứng chiếm vài % so với yêu cầu đặt ra; vốn từ tiền phạt vi phạm TTATGT do Ban ATGT quyết sách đã chi là 4-4,1 tỷ đồng, tập trung cho việc sơn kẻ trên một số tuyến đường nhất định như Nguyễn Văn Linh ở khu vực nội thành và trên các tuyến trọng điểm giao thông khu vực ngoại thành như tuyến QL10, các tuyến tỉnh lộ 359, 351 và 353. Như vậy, không khó hiểu khi hầu hết các tuyến đường phố, tuyến đường giao thông ở Hải Phòng hoặc là không có dấu tích vạch sơn kẻ hoặc đã quá mờ màu. Điều này lý giải rằng vi phạm lỗi đi sai phần đường, chiều làn đường diễn ra khá phổ biến, rồi TNGT xảy ra do lỗi đi sai phần đường, làn đường chiếm tỷ lệ không ít… Theo đại tá Bùi Đình Chiến, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an thành phố phân tích: Vạch kẻ đường thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ, chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại và không thể thiếu trong kết cấu hạ tầng giao thông. Nó là hình thức cụ thể hóa quy phạm pháp luật tại hiện trường phục vụ giao thông, làm căn cứ cho công tác quản lý nhà nước về giao thông. Thể hiện, tại chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2009 có quy định một loạt các điều khoản quy tắc giao thông đường bộ liên quan đến làn đường, chiều đường, điểm đỗ.
Ví dụ, khoản 1 điều 9 quy định: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”. Riêng điều 13 quy định về sử dụng làn đường, cụ thể: Khoản 1 điều 13 “Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn”. Hoặc tại khoản 2 điều này nêu rõ: “Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe gắn máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái”.
Như vậy, vạch sơn là thể hiện của quy phạm Luật Giao thông đường bộ tại hiện trường. Về nguyên tắc, nó làm căn cứ để người tham gia giao thông xác định đâu là làn đường mình được phép điều khiển phương tiện tham giao thông. Còn đối với lực lượng CSGT, căn cứ vạch sơn làn đường để kiểm tra nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Đặc biệt, trong việc xử lý các vụ va quệt, tai nạn giao thông, vạch sơn làn đường có giá trị làm căn cứ pháp lý xác định lỗi của các bên liên quan. Đương nhiên, hệ lụy đầu tiên từ việc cầu đường không được sơn kẻ phân làn thường xuyên là khó khăn cho người tham gia giao thông và khó khăn cho cả lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thời gian gần đây, lực lượng CSGT tập trung cao vào việc phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng làn đường; tránh vượt, chuyển hướng sai quy tắc. Đây là những lỗi được xem là đặc biệt nghiêm trọng vì trực tiếp gây ra TNGT, chiếm tỷ lệ từ 25-30% (tương ứng từ 30-40 vụ mỗi năm). Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, CBCS Phòng PC67 Công an thành phố xử lý từ 4.500-5.000 lượt vi phạm các lỗi này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn vì hiện trạng vạch sơn kẻ phân làn đường rất mờ hoặc không tồn tại.
ĐOÀN LANH |