Hiệu quả của Hợp tác xã kiểu mới ở xã Thụy Hương

13:34 29/09/2022

Được thành lập mới theo Luật HTX 2012 từ tháng 8-2017 với 9 thành viên góp vốn, đến nay, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương (thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy) đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong việc góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã.

Từ mô hình mạ khay cấy máy

Chị Nguyễn Thị Hà – Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương kiểm tra chất lượng luống rau cải sắp cho thu hoạch

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hà – Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương vào lúc trời trưa đổ nắng, khi ấy chị vừa mới trở về từ huyện An Dương khi tham dự một khóa đào tạo về ngành nông nghiệp. Chị chia sẻ, trước khi trở thành Giám đốc HTX, chị đã có một khoảng thời gian tương đối dài làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước. Khi chứng kiến việc có nhiều ruộng đất bị bỏ hoang do người nông dân không còn mặn mà với nghề nông như trước, chị đã nung nấu ý định muốn đồng hành cùng nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Trải qua một quá trình tìm tòi, học hỏi, huy động vốn, năm 2017 HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương đã được ra đời.

Chị Hà cho biết, HTX Thụy Hương có nhiều hoạt động dịch vụ, như: dịch vụ mạ khay, cấy máy; trồng và bao tiêu lúa hữu cơ; đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng. Để bắt đầu công cuộc cùng nông dân cơ giới hóa đồng ruộng, lãnh đạo HTX đã mạnh dạn đầu tư 4 máy cấy, 2 máy gặt, 1 giàn gieo mạ và 4,6 vạn khay gieo… với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Nói về những khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp, chị Hà cho hay, vụ sản xuất đầu tiên, người dân địa phương chưa tin tưởng phương pháp mạ khay cấy máy của HTX, còn những hoài nghi về năng suất, hiệu quả, có trường hợp người dân còn phản đối gay gắt việc chuyển đổi cơ giới hóa, đưa máy móc vào sản suất gieo trồng thay cho cho phương pháp thủ công truyền thống.

Để người nông dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, chị Hà cùng các thành viên HTX đã dày công tuyên truyền, vận động, phân tích cho người dân và cam kết chịu trách nhiệm trước những phần diện tích sử dụng phương pháp mạ khay cấy máy của HTX.

Mạ khay, cấy máy góp phần hình thành những cánh đồng mẫu lớn một vùng – một giống – một thời gian, sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. Với phương pháp gieo cấy truyền thống, để có đủ mạ cấy cho một sào ruộng (360m²), người dân mất 2 – 2,5kg thóc giống. Còn phương pháp gieo mạ khay chỉ tốn 1 – 1,5kg giống.

Bên cạnh đó, người dân giảm được công chăm sóc, vì trong quá trình làm mạ khay, HTX phải ủ giá thể, tiến hành xử lý mầm bệnh, bảo đảm giống nảy mầm 100% với bộ rễ khỏe chịu rét, chịu hạn, ít sâu bệnh. Như vậy, bằng việc sử dụng phương pháp mạ khay cấy máy giúp giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, giảm công sức, giảm thời gian chăm sóc, tăng sản lượng, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Sau vụ mùa năm 2017, trước những thành công mà HTX đem lại, người dân đã dần tin tưởng và “giao phó” việc gieo cấy những vụ sau cho HTX.

Đến nay, diện tích gieo cấy bằng mạ khay cấy máy của HTX tại địa phương đã đạt 80% / toàn bộ diện tích đất trồng lúa, tính chung tại Hải Phòng đạt 60-70% diện tích đất trồng lúa của thành phố. Ngoài ra, HTX còn mở rộng phương pháp mạ khay cấy máy ra các địa phương như Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang…

Đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Tiếp nối những thành quả từ mô hình dịch vụ mạ khay cấy máy, chị Nguyễn Thị Hà lại ấp ủ một ý tưởng táo bạo hơn khi muốn thực hiện mô hình trồng lúa trên ruộng rươi. Theo chị Hà, tiềm năng trồng lúa trên ruộng rươi ở Hải Phòng rất lớn nhưng chưa triển khai hết.

Rươi là loài hết sức nhạy cảm với môi trường, thường sống ở các vùng cửa sông, bãi nước lợ ven biển, những nơi có vùng đất và nước sạch không bị ô nhiễm bởi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi đó, lúa ruộng rươi mỗi năm chỉ cấy được một vụ, HTX đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để tìm ra được giống lúa phù hợp. Để giảm tác dụng của ánh sáng mặt trời đến loài rươi, đồng thời tận dụng quỹ đất, HTX đã cùng chủ đầm trồng lúa trên ruộng rươi vào năm 2014. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc tới khi thu hoạch đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Vì canh tác hoàn toàn tự nhiên nên sản phẩm gạo năng suất thấp, chỉ bằng 1/3 so với ruộng được canh tác theo phương pháp thông thường. Ban đầu, chỉ có rất ít hộ dân đồng ý làm theo mô hình. HTX đã cung cấp giống, các loại phân hữu cơ, quy trình trồng và toàn bộ cách thức chăm sóc lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch trên ruộng rươi.

Sau khi vụ lúa đầu tiên được thu hoạch, bà con nông dân vô cùng phấn khởi bởi kết quả mang lại vượt xa với mong đợi. Lúa tươi được HTX thu mua tại bờ, sấy máy và bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt rồi mới đưa đi xay xát.

Gạo được xay xát đóng gói tại HTX qua các máy móc hiện đại, đảm bảo gạo vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và hương thơm tự nhiên. Năm 2019, HTX cho ra đời sản phẩm Gạo ruộng rươi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm được đóng gói từ 3kg, 5kg đến 10kg/túi với giá bán 40.000 đồng/kg. Gạo ruộng rươi được phân phối tại hầu hết các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn.

Do nhu cầu của thị trường ngày một cao, thậm chí có nhiều khi HTX không đủ sản phẩm để cung ứng cho các đơn hàng.Từ diện tích 1 mẫu trồng khảo nghiệm tại xã Ngũ Phúc, đến nay HTX đã mở rộng mô hình trồng lúa trên ruộng rươi lên 200ha tại xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào (huyện Kiến Thụy), huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và  huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương).  

Mạnh dạn nghiên cứu quy trình sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động

Không chỉ thành công với việc áp dụng cơ giới hóa vào trồng lúa và sản phẩm Gạo ruộng rươi, chị Hà còn gặt hái được những trái ngọt trong sản xuất rau sạch khi áp dụng phương châm “mùa nào thức nấy”. Hiện nay HTX của chị đang tập trung trồng các loại rau như rau cải, cải ngồng, su hào… để cung ứng cho thị trường.

Năm 2022, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng ký kết thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hải Phòng”. Chị Hà chia sẻ, rau mầm là rau được sản xuất trong thời gian ngắn, sau khi gieo hạt 5 đến 7 ngày là thu hoạch, một số loại có thể kéo dài tới 10 ngày. Đây là loại rau non và có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp nhiều lần rau thông thường.

Rau mầm dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin (C, E, K, A,...), chất khoáng hữu cơ (sắt, kẽm, can xi,...), axit amin, chất xơ, chất đạm, các enzym có ích, các chất này rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Để có thể sản xuất rau mầm, HTX đã phải lựa chọn rất kỹ hạt giống ngay từ khâu đầu vào, tiếp đến lựa chọn đất để gieo. Đất này phải là loại đất sạch, được lấy từ vùng ven bãi rươi, xay nghiền và ủ từ 6-8 tháng mới được đưa vào sử dụng. Vì giá trị dinh dưỡng của rau mầm mang rất lớn nên nhu cầu sử dụng rau mầm ngày càng tăng, đặc biệt là các loại mầm cải ngọt, mầm cải củ, mầm rau muống…

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các loại rau mầm đều sạch sẽ, an toàn. Trước khi bước vào giai đoạn gieo hạt, nếu giá thể không kiểm soát và xử lý đúng kỹ thuật thì rau mầm có nguy cơ bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn. Ngoài ra, hạt mầm cũng có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nếu chúng là loại hạt đã qua ngâm tẩm hóa chất bảo quản và còn tồn dư trên hạt...

Vì vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất rau mầm là rất cần thiết. Trước những vấn đề trên, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã mạnh dạn tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất rau mầm từ Trung tâm Khuyến nông để sản xuất rau mầm trên quy mô lớn.

Đề tài thành công sẽ được tạo ra lượng rau mầm hàng hóa lớn, cung cấp cho các trường mầm non, các đơn hàng thực dưỡng và nhà hàng cao cấp cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông