Học sinh lớp 4 đọc chữ không rành

16:56 25/10/2015

Đó là trường hợp của em N.T.P., học lớp 4/2 Trường tiểu học Tân Lược B, huyện Bình Tân (Vĩnh Long).
 
Cô Lưu Kim Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, cho biết từ đầu năm học cô đã phát hiện trường hợp P. không đọc rành chữ, viết bài phải nhìn vào từng mặt chữ mà chép. 
 
Thấy lạ, cô kiểm tra lại toàn bộ kiến thức năm lớp 3 thì P. không biết gì, thậm chí nhân chia hai chữ số em cũng không làm được.
 
 Em P. đang được bồi dưỡng lại kiến thức đã hổng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Em P. đang được bồi dưỡng lại kiến thức đã hổng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Tôi đã báo cáo ban giám hiệu nhà trường để đưa em P. xuống học lại lớp dưới nhưng ban giám hiệu trường không đồng ý. Trường yêu cầu tôi kèm thêm để P. theo kịp các bạn, nhưng đó là điều không thể”, cô Phượng nói. Cũng theo cô Phượng, trình độ của P. chỉ bằng học sinh lớp 1.
 
Chúng tôi đã đến trường gặp em P. và nhờ em đọc một số câu đơn giản, nhưng em phải chật vật đánh vần từng chữ mới đọc được, thậm chí những dấu sắc, huyền, hỏi, ngã em không phân biệt được, đều đọc sai hoàn toàn.
 
Còn môn toán thì em P. nói chỉ thuộc đến bảng cửu chương 5, các phép tính cộng trừ nhân chia chỉ làm được phép tính hai con số...
 
Trong khi đó, học bạ của P. năm lớp 1 đạt loại trung bình, lớp 2, lớp 3 đều được cô phê đã hoàn thành chương trình học tập.
 
Ông Lê Văn Triệu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lược B, cho biết, nếu đưa em P. xuống học trở lại lớp 2, lớp 3 thì về mặt pháp lý không phù hợp. Do sự việc xảy ra quá lâu mà đến bây giờ mới phát hiện thì chỉ còn cách khắc phục tại chỗ.
 
“Chúng tôi đã cử thầy hiệu phó trực tiếp bồi dưỡng lại cho em P., hổng chỗ nào lắp chỗ đó, nay em học một tuần cũng có sự tiến bộ, nếu hết học kỳ 1 em ấy tiếp thu tốt thì sẽ cho trở lại học cùng các bạn” - ông Triệu nói.
 
Ông Triệu cũng nói thêm không hiểu sao đến tận bây giờ mới phát hiện trường hợp này và rất khó quy trách nhiệm cụ thể cho ai, bởi từ giáo viên đến người coi thi, chấm thi và cả ban giám hiệu đều giám sát không chặt chẽ.
 
Ông Trần Thanh Lâm, trưởng Phòng giáo dục huyện Bình Tân, cho biết, trường có báo cáo trường hợp trên. Phòng đã chỉ đạo phải có cách kèm riêng cho em P. để theo kịp chương trình. Ngoài ra, yêu cầu các trường rà soát lại trình độ của học sinh để bồi dưỡng kịp thời.
 
“Chúng tôi đang nghiên cứu tìm cách đưa em P. đi giám định y khoa xem có bệnh lý về thần kinh hay không vì nhà em P. thuộc diện khó khăn, bản thân em từng bị té do tai nạn” - ông Lâm nói.
 
Theo Thùy Trang/Tuổi Trẻ
 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông