Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”

17:47 17/09/2022

Sáng 17-9, hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển” được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

  Tại đầu cầu Hải Phòng có đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố và một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn.

Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân chủ trì tại đầu cầu Hải Phòng

    Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư tại Việt Nam và hàng trăm các tập đoàn lớn trên thế giới tham dự trực tuyến cho thấy sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam.

                        

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 

    Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

      Theo khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9-2022, có trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao.

      Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023; 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine COVID…) ở mức trung bình và cao.

       Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

           Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

           Để thực hiện các mục tiêu đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin kiến nghị 5 nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và trong dài hạn.

Đại diện Tập đoàn CMA-CMG phát biểu
Đại diện Tập đoàn Ørsted phát biểu
Đại diện HSBC phát biểu
Đại diện Eurocham phát biểu

          Hội nghị nghe nhiều ý kiến phát biểu đóng góp của đại diện các Hiệp hội; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như JETRO; KOCHAM; Amcham; Eurocham; Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG);  HSBC; Tập đoàn DELL TECHNOLOGIES; Boeing; Panasonic; Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam; CMA-CGM (công ty toàn cầu trong các giải pháp về cảng biển, đường hàng không và logistic); Bosch...

     Các ý kiến đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung cụ thể liên quan tới quy hoạch, chính sách thuế; đất đai; đào tạo nhân lực; chuyển đổi số... Lãnh đạo nhiều địa phương cũng thể hiện quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.

          Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất theo đúng chuẩn mực, trên tinh thần cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với các nhà đầu tư bởi "nếu làm việc với nhau mà bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác".

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị

           Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

          Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường"; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

          Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: giữ ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; giữ sự kiên định, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết kế công cụ kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.

          Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị

          Việc thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. 

          Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

           Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón các dự án đầu tư. Nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công - tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đa dang hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ... Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài.

          Đối với các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam; phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới mở rộng đầu tư; chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, thách thức của Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn.

          Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam với tinh thần "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển"./.

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông