Họp báo quốc tế lần thứ tư về tình hình Biển Đông

23:41 05/06/2014

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

Bộ Ngoại giao hôm nay tổ chức họp báo quốc tế, tiếp tục công bố diễn biến thực địa ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam, và về công hàm thông báo diễn biến ở Hoàng Sa gửi lên Liên Hợp Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông báo Việt Nam vẫn kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình sau hơn một tháng từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam và đưa nhiều tàu hộ tống và tàu quân sự, có hành vi hung hăng ngang ngược, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết sau hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, hai bên đã có trên 30 cuộc trao đổi dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không dừng lại hoạt động bất hợp pháp mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển sang vị trí mới.

Giàn khoan Hải Dương 981 ban đầu được đặt tại vị trí cách đảo Tri Tôn của Việt Nam 17 hải lý về phía tây nam, cách đảo Lý Sơn 19 hải lý, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam 80 hải lý. Ngày 27/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, ở đông nam đảo Tri Tôn khoảng 25 hải lý, vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam 57 hải lý.

Trung Quốc đồng thời gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới 140 tàu, gồm các tàu quân sự, hộ vệ tên lửa, tuần tiễu, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ cùng nhiều máy bay chiến đấu, ông Hải nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc không trả lời. Ngày 4/6, Bộ ngoại giao Việt Nam lại trao công hàm đồng thời yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển cũng như các vấn đề liên quan đến việc hạ đặt trái phép giàn khoan thông qua đàm phán.

Ngày 4/6, tàu Trung Quốc tiếp tục rượt đuổi tàu Việt Nam. Ở cách giàn khoan khoảng 10 hải lý, tàu cảnh sát biển đã bị hai tàu của Trung Quốc liên tục ép sát hai bên, lúc gần nhất khoảng 30 m. Khi đó pháo trên tàu Trung Quốc đã được mở bạt che.

Hai tàu kéo Trung Quốc vây ép tàu kiểm ngư Việt Nam với tốc độ cao rồi bẻ lái để đâm và phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư KH 22. Ba cú đâm liên tiếp vào hai bên mạn đã khiến phòng ngủ và các thiết bị trên tàu hư hỏng nặng. Rất may không có cán bộ, chiến sĩ nào bị thương.

Chiều 1/6, tàu Cảnh sát Biển 2016 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc chủ động tấn công khi đang tiến gần giàn khoan Hải Dương 981. Khi cách giàn khoan khoảng 10 hải lý, hai tàu Trung Quốc đã áp sát, trong đó một tàu bật vòi rồng uy hiếp tàu Cảnh sát Biển Việt Nam suốt 10 phút. Tàu Trung Quốc sau đó tăng tốc hướng thẳng mũi vào mạn phải tàu Việt Nam khiến tàu bị thủng 4 lỗ.

Chiều 26/5, khi đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khoảng 17 hải lý, tàu cá Việt Nam DNa 90152 TS bất ngờ bị tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc mang số hiệu 11209 tấn công. Tàu Trung Quốc đã chạy với tốc độ cao, hướng thẳng mũi và tông hai cú chí mạng khiến tàu cá Việt Nam bị lập úp hoàn toàn, sau đó chìm hẳn, chỉ còn thấy phần mũi tàu.

Sau khi đơn phương tấn công tàu cá Việt Nam, các tàu Trung Quốc xung quanh không những không cứu người mà còn cản trở các tàu Việt Nam đến cứu các nạn nhân. 10 thuyền viên của DNa 90152 TS sau đó may mắn được các ngư dân khác cứu hộ an toàn. Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu, đang làm thủ tục để khởi kiện Trung Quốc.

Theo VNE


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông