Theo Bộ phụ trách vấn đề phúc lợi của phụ nữ và trẻ em Ấn Độ, nạn muabán phụ nữ ở nước này mặc dù bị cấm vẫn tồn tại khá nặng nề ở nhữngvùng quê nghèo và hẻo lánh.
| |
Theo các nhà quan sát, bất bình đẳng giới và xã hội phân cấp giai tầng đặc trưng của Ấn Độ là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phụ nữ bị coi như một món hàng ở các vùng quê nước này. “Trùm mối lái” Pankaja K Kalmath, đang điều hành “Dịch vụ kết nối hôn nhân” bang Karnataka, cho biết giá mua một cô giá trẻ 18 tuổi trở xuống giao động từ 100.000 đến 200.000 rupi ( 2.200 - 4.400 USD). Tuy nhiên, dù còn trẻ song nếu là phụ nữ góa hoặc bị chồng bỏ thì giá bị hạ xuống mức chưa đầy 50.000 rupi (hơn 1.000 USD).
Hồi tháng 6 vừa qua, một cô gái trẻ, 24 tuổi, ở làng Bildal đã bị bán cho một người đàn ông nhiều tuổi ở bang Gurajat với giá vỏn vẹn 60.000 rupi (1.350 USD). Cảnh sát cho biết trung bình mỗi làng ở bang Karnataka mỗi năm có 2-3 đám cưới theo kiểu “mua vợ” như vậy. Một phụ nữ 26 tuổi sống ở Bundelkhan - khu vực trải rộng ở hai bang phía bắc Uttar Pradesh và Madhya Pradesh - kể rằng cô bị bố mẹ bán đi năm 12 tuổi với giá chỉ 10.000 rupee (khoảng 200 USD). Cô chưa bao giờ nghĩ tới việc đi báo chính quyền bởi vì không còn nơi nào khác để đi. Cô chấp nhận đó là định mệnh của mình.
Trong các cuộc hôn nhân kiểu trên, nhân viên môi giới đóng vai trò quan trọng nhất và trực tiếp tham gia vào các cuộc mua bán phụ nữ. Pankaja khoe ông ta có trụ sở tại các bang in Gujarat, Rajasthan and Maharashtra. Các chi nhánh này tung nhân viên đi khắp nơi để tìm kiếm những phụ nữ góa nghèo khổ, những phụ nữ chưa chồng và những cô gái trong các gia đình bố mẹ bỏ nhau. Các nhân viên trả tiền cho gia đình và việc tổ chức đám cưới đựơc thực hiện “chớp nhoáng” ngay trong buổi tối và ngày hôm sau là cô dâu “biến mất” khỏi làng.
Trong phần lớn các trường hợp, các tay “môi giới hôn nhân” chỉ trả từ 20.000 đến 30.000 rupi (450 - 700 USD) để mua đứt một cô gái. Trong không ít trường hợp, các em gái vị thành niên cũng bị gả bán theo kiểu như vậy và Bộ phụ trách vấn đề phúc lợi của phụ nữ và trẻ em chỉ ngăn chặn được một số ít vụ.Gia đình cô dâu không đươc mời dự lễ cưới để “tiết kiệm” cho nhà trai. Không một ai biết được cô gái sống như thế nào vì cô chỉ trở về nhà một khi sức khỏe bị suy sụp.
Những đám cưới như vậy của những người đàn ông bang Gujarat thường liên quan tới việc mua bán phụ nữ. “Trùm mối lái” Pankaja cho biết trong khoảng 20 làng tại huyện Dharwad, tình trạng này thường xuyên diễn ra tại ít nhất 10 làng, và mở rộng tới các làng khác song được tiến hành một cách kín đáo hơn.Các nhân viên thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS cho biết qua trò chuyện với 1.200 phụ nữ bán dâm tại huyện Dharwad hồi năm 2003-2004 cho thấy phần lớn họ là nạn nhân của các “đám cưới” với đàn ông bang Gujarat vì sau lễ cưới chừng 2-3 năm họ bị các ông chồng bán cho các nhà chứa ở Mumbai hoặc Pune, bang Maharashtra.
Ngoài việc bị gả bán làm vợ cho những người đàn ông, phụ nữ Ấn Độ đã có chồng cũng thường bị chồng hoặc cha mẹ đem bán cho nhà thổ để lấy tiền trả nợ cho gia đình. Nguyên nhân là tại nhiều vùng quê, tình trạng hạn hán khiến mùa màng thất bát và lãi suất cho vay cắt cổ của “địa chủ” đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn. Sangeeta, vợ của một nông dân ở khu vực Bundelkhand, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, cho hay cô đã bị chồng bán cho một nhà thổ trong 1 tháng với giá 2.500 rupees (50 USD) để trả nợ. Sangeeta tâm sự: “Chúng tôi chẳng có gì mà ăn còn chồng tôi đối mặt với khoản nợ lớn. Thật khó để tồn tại và tôi đã phải bán mình để sống”.
VIỆT ANH (theo TTX, CNN) |