17:27 03/07/2021 Một khi dịch tả lợn Châu Phi tái xuất hiện trở lại và lây lan ra diện rộng sẽ gây thiệt hại nặng nề, làm kiệt quệ, suy yếu ngành chăn nuôi cả nước. Từ tháng 2-2019 đến nay, phải mất một thời gian rất dài ngành chăn nuôi lợn của cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng mới dần hồi phục trở lại sau đại dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Khi ngành chăn nuôi lợn đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau đại dịch thì vừa qua dịch tả lợn Châu Phi lại tiếp tục tái xuất hiện tại Hải Phòng.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố, ngày 24-6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh trên địa bàn xã Phù Long, huyện Cát Hải làm tổng đàn lợn 17 con, từ 40 đến 66kg/con của hộ ông Nguyễn Đình Sản, ở thôn Ao Cối, xã Phù Long buộc phải tiêu hủy.
Được biết, trên địa bàn huyện Cát Hải hiện có 127 hộ nuôi, với tổng đàn lợn nuôi đạt 1.838 con. Trong đó, có 305 con lợn nái, đực giống; 1.116 con lợn nuôi thịt; 417 con lợn con theo mẹ. Riêng tại xã Phù Long có 320 con (40 con lợn nái, 205 con lợn nuôi thịt, 75 con lợn con theo mẹ).
Trước đó, năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng, hầu hết đàn lợn nuôi của các hộ chăn nuôi thuộc thôn Ao Cối, xã Phù Long, huyện Cát Hải đều bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy, riêng hộ ông Sản nhờ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên không bị thiệt hại do dịch gây ra.
Ngay trong sáng 24-6, sau khi nhận báo cáo từ Trạm Chăn nuôi & Thú y Cát Hải về tình hình dịch bệnh đàn lợn của hộ ông Sản, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã phối hợp cùng BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật huyện Cát Hải và xã Phù Long kiểm tra thực tế tại cơ sở xác định từ ngày 21-6, đàn lợn của hộ ông Sản đã có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao, táo bón. Đơn vị đã tiến hành lấy 1 mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm.
Ngay trong chiều cùng ngày khi có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã thống nhất cùng BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật huyện Cát Hải, xã Phù Long triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch. Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ ông Sản theo quy định.
Thực hiện phun khử trùng tiêu độc hố chôn hủy, khu vực xung quanh ổ dịch đúng quy định; tổ chức thường trực tại chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch, giám sát chặt chẽ đàn lợn tới tận các hộ chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…
Ngày 25-6, Chi cục đã lấy 10 mẫu huyết thanh (gộp thành 2 mẫu xét nghiệm) của hộ ông Bùi Đình Huỳnh, ở thôn Ao Cối, xã Phù Long và cơ sở giết mổ Phú Cường, ở xã Trân Châu. Kết quả xét nghiệm 02/02 mẫu âm tính vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Nhờ kịp thời áp dụng các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, các ngày 25, 26, 27-6, trên địa bàn xã Phù Long không phát hiện thêm lợn ốm, chết, buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi gây ra.
Tuy nhiên, ngày 27-7, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện Cát Hải, kiểm tra tình hình đàn lợn của một số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Trân Châu và tại Thị trấn Cát Bà.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đàn lợn gồm 7 con (3 con lợn nái, 4 lợn con) của hộ ông Nguyễn Mạnh Tầm, thôn Hải Sơn, có biểu hiện bỏ ăn, sốt, phân táo, xuất huyết da…, từ ngày 25-6.
Cũng trong ngày 27-6, qua kiểm tra tình hình đàn lợn nuôi trong cơ sở nuôi của Đội 117, Bộ Chỉ huy quân sự huyện Cát Hải, tại Thị trấn Cát Bà, lực lượng chức năng xác định đàn lợn 12 con (trọng lượng 7-8kg) của Bộ Chỉ huy quân sự huyện có biểu hiện bỏ ăn, co cứng cơ đùi... từ ngày hôm trước.
Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã lấy 4 mẫu, gửi Chi cục Thú y vùng 2 xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn 7 con của hộ ông Tầm, thôn Hải Sơn, xã Trân Châu dương tính với vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu huỷ đàn lợn của hộ ông Tầm (tổng trọng lượng trên 800kg).
Đối với các địa phương khác trên địa bàn thành phố, theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi & Thú y các huyện, quận, tình hình đàn lợn phát triển ổn định, không phát hiện lợn ốm, chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đó, tính đến chiều 28-6, số lợn tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn 2 xã Phù Long và Trân Châu, huyện Cát Hải là 24 con, trọng lượng tiêu hủy đạt gần 1,5 tấn.
Tiến hành điều tra dịch tễ xác định nguyên nhân dịch xảy ra, sơ bộ lực lượng chức năng xác định nguồn lây từ hộ dân là hộ bà Phạm Thị Minh và Vũ Thị Lan, đều ở thôn Ao Cối, xã Phù Long (gần hộ ông Sản). Cụ thể, cuối tháng 5, hộ chăn nuôi này đã mua về nuôi 13 con lợn 18-20kg/con của thương nái vận chuyển từ tỉnh Thái Bình (địa phương đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi). Sau đó đàn lợn phát bệnh, chết dần nhưng gia đình không báo cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương mà tự xử lý, chôn hủy đàn lợn chết. Thực tế này được cơ quan chức năng xác định là nguyên nhân khiến cho dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại tại thôn Ao Cối, xã Phù Long.
Để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch lây lan ra diện rộng, ngay ngày 25-6, Sở NN&PTNT đã phát đi Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Sở, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đề nghị BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật huyện Cát Hải cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chức năng BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra hoạt động các cơ sở/hộ kinh doanh giết mổ lợn trên địa bàn; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, nhiễm mầm bệnh làm lây lan dịch bệnh; kiên quyết đình chỉ các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ hoạt động trái phép, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, VSATTP, VSMT theo quy định. Đồng thời tiến hành thống kê tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn xã Chân Trâu, Thị trấn Cát Bà và các xã xung quanh; tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện, báo ngay các trường hợp lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh về Chi cục và thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định; theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với các đàn lợn nghi mắc bệnh đã được lấy mẫu; không vận chuyển lợn ra khỏi cơ sở chăn nuôi, không giết mổ lợn cho đến khi có kết quả xét nghiệm theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi không nhập nuôi mới lợn trong thời gian có dịch; thành lập chốt kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra – vào địa bàn theo quy định…
Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố cũng đề nghị UBND các huyện, quận chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ban ngành chức năng tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh tới tận các hộ, cơ sở chăn nuôi; đặc biệt tại các cơ sở/hộ kinh doanh giết mổ, nơi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh về Chi cục để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng…
Khánh Chi
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024