Interpol cảnh báo về nguy cơ an ninh mạng

16:25 08/10/2017

Vì Interpol World 2017 là sự kiện được dư luận quan tâm nên những tuyên bố và phát biểu tại đây đều được giới chuyên môn chú ý, nhất là khi Chủ tịch Interpol cảnh báo, cùng với những lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ và không gian mạng xuyên biên giới, thế giới còn phải đối mặt với những mối đe dọa tội phạm và khủng bố do các đối tượng xấu lợi dụng sự thuận tiện, linh hoạt và khả năng ẩn danh mà công nghệ cao mang tới cho người sử dụng.

Cảnh báo này được ông Mạnh Hoành Vĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc) đề cập khi phát biểu tại lễ khai mạc Interpol World 2017 ở Singapore hôm 4-7.

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ hy vọng, thế giới sẽ an toàn hơn bằng việc áp dụng các sáng kiến và cách thức tiếp cận mới. Và việc này diễn ra trong bối cảnh vụ tấn công mạng toàn cầu hồi tháng 5 vừa qua của mã độc tống tiền WannaCry cho thấy rõ sự tinh vi và khả năng phá hoại của tội phạm công nghệ khi có tới 200.000 máy tính tại hơn 150 quốc gia bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ.

Với chủ đề "Thúc đẩy các sáng kiến mới nhằm giải quyết những thách thức an ninh trong tương lai", Interpol World 2017 (từ 4 đến 7-7) đã thu hút hơn 10.000 đại biểu là lãnh đạo lực lượng Cảnh sát của 190 quốc gia thành viên Interpol.

Ủy viên Châu Âu phụ trách về an ninh Julian King cũng vừa cảnh báo, Liên minh Châu Âu (EU) phải tăng cường khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công mạng.

Đồng thời cho biết, EU sẽ chi 10,8 triệu euro cho 14 quốc gia EU để tăng cường lực lượng ứng phó về mạng sau vụ tấn công mạng toàn cầu quy mô lớn xảy ra mới đây và cũng như vụ tấn công WannaCry chứng tỏ, đe dọa mạng mà chúng ta phải đối mặt đang ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo ông Julian King, bên cạnh khoản chi bổ sung cho các trung tâm quốc gia ứng phó về an ninh mạng, cần tăng cường sự ủng hộ cho Cục Tội phạm mạng thuộc Europol. Europol cho biết vụ tấn công của virus Petya có sức hủy diệt quy mô lớn như virus tống tiền WannaCry, nhưng tinh vi hơn.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO chủ trương tăng cường bảo vệ an ninh mạng, trong khi các nước thành viên muốn có những phản ứng tập thể trước một cuộc tấn công mạng nhằm vào một nước thành viên.

Chính phủ Anh cảnh báo, sẵn sàng dùng biện pháp quân sự, bao gồm việc điều binh và tiến hành các cuộc không kích, để đáp trả những tin tặc nước ngoài tấn công mạng nhằm vào "xứ sở sương mù".

Bộ An ninh mạng Australia cũng đã quyết định thành lập đơn vị an ninh mạng để mở rộng tấn công mạng nhằm vào các thế lực thù địch ở nước ngoài. Ban đầu, đơn vị này sẽ có 100 nhân viên và tăng dần lên 900 người trong 10 năm tới. Thủ tướng Malcolm Turnbull từng tuyên bố, một đơn vị như vậy sẽ có những đóng góp có giá trị cho nỗ lực làm yếu sự kiểm soát của các tay súng thánh chiến tại Syria và Iraq.

Chuẩn tướng Marcus Thompson cho biết, đơn vị này sẽ được chia thành ba nhóm nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự của Australia và phát động tấn công các mục tiêu nước ngoài.

Công ty chuyên đánh giá rủi ro từ tấn công mạng Cyence cho biết, riêng thiệt hại về kinh tế từ các vụ tấn công của virus Petya và từ virus WannaCry đối với các doanh nghiệp trên thế giới có thể lên tới 8 tỉ USD. Điều này cho thấy nguy cơ tổn thất lớn mà các doanh nghiệp trên thế giới phải đối mặt trước sự gia tăng các cuộc tấn công mạng trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia, cuộc tấn công của virus Petya đã sử dụng phần mềm xóa cực mạnh khiến không thể phục hồi dữ liệu bị mất. "Đó là máy xóa dữ liệu ngụy trang thành mã độc tống tiền. Những kẻ tấn công không có ý định lấy tiền từ cuộc tấn công này", hãng Reuters dẫn nhận định của Tổng giám đốc Tom Kellermann của Công ty Strategic Cyber Ventures.

Ủy viên Châu Âu phụ trách về an ninh Julian King

Công ty cung cấp dịch vụ chống virus và an ninh mạng đa quốc gia Kaspersky Lab cho rằng, các vụ tấn công mã độc đòi tiền chuộc mới đang có xu hướng gia tăng và thủ phạm gây ra vụ tấn công mạng toàn cầu mới đây không phải là biến thể của ransomware Petya như các thông tin trước đó.

Các chuyên gia khẳng định, đây không phải là biến thể của ransomware Petya, mà là một ransomware mới chưa từng xuất hiện và Kaspersky Lab đặt tên cho ransomware mới này là "NotPetya" hay "ExPetr".

Ngày 4-7, Chính phủ Đức cho biết, nước này hiện là mục tiêu lớn của các hoạt động do thám và tấn công mạng do nước ngoài thực hiện. Tuyên bố này được đưa ra dựa trên bản báo cáo thường niên (dài 339 trang) của Cơ quan An ninh Đức (BfV). Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere khẳng định, Chính phủ vẫn đang phối hợp chặt chẽ với toàn ngành công nghiệp để có thể bảo vệ hiệu quả các công ty, doanh nghiệp của nước này..

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông