Tổng thống Iran ngày 28-12 tuyên bố Iran hiện đã trở thành một quốc giahạt nhân, đồng thời cảnh báo sẽ “đáp trả” bất kỳ nước nào “muốn ngăncản Iran đạt được quyền lợi của mình”.
| Nhà máy hạt nhân Busherh của Iran |
Kênh truyền hình Press TV dẫn lời ông Ahmadinejad nhấn mạnh Mỹ cùng các đồng minh đã gia tăng áp lực chính trị và đưa ra những nghị quyết chống Iran do chương trình hạt nhân của nước này, song toàn bộ nỗ lực của Mỹ và đồng minh đã thất bại và Iran nay đã trở thành một quốc gia hạt nhân. Tổng thống Ahmadinejad cũng cho rằng thay vì đối đầu, chỉ có hợp tác mới có thể giúp giải quyết vấn đề năng lượng hạt nhân của Iran. Ông cũng cảnh báo các nước phương Tây rằng Tehran sẽ “đáp trả” bất kỳ ai “muốn ngăn cản Iran đạt được quyền lợi của mình”.
Đối với các nghị quyết trừng phạt của LHQ, ông Ahmadinejad nói các nghị quyết này là “bất hợp pháp” và việc trừng phạt “chỉ làm mạnh thêm đất nước và thúc đẩy nhanh hơn con đường đi lên của Iran”. Nhà lãnh đạo Iran còn nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây đang áp đặt đối với Iran không gây ảnh hưởng đến người dân nước này. Theo ông, cho dù các nước phương Tây trừng phạt Iran về năng lượng, Teheran vẫn là nước có trữ lượng năng lượng lớn thứ hai thế giới. Trong bối cảnh Teheran đang bị quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, Tổng thống Ahmadinejad còn tiết lộ dự trữ ngoại tệ của Iran hiện ở mức hơn 100 tỷ USD. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra con số cụ thể.
Cùng ngày 28-12, hãng tin ISNA của Iran dẫn lời ông Ahmadinejad tuyên bố Iran sẽ không nhân nhượng trong các cuộc đàm phán hạt nhân vào tháng tới tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giống như trong các cuộc đàm phán vừa qua ở thành phố Geneva của Thụy Sỹ. Ông Ahmadinejad nhấn mạnh Iran sẵn sàng hợp tác với các cường quốc tại Istanbul, song tất cả các nước này cần thừa nhận quyền theo đuổi công nghệ hạt nhân của Iran.
Được biết, ngày 5-12 vừa qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho biết họ đã lần đầu tiên “tự chiết xuất” được uranium và đã chuyển số uranium này tới một nhà máy để làm giàu chúng. Từ những năm 1970, Iran phải sử dụng chiết xuất uranium nhập khẩu từ Nam Phi, và người ta tin rằng nguồn uranium này hiện đã cạn kiệt. Truyền thông thế giới đưa tin Mỹ và Liên minh châu Âu đang chuẩn bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới với Iran vào năm 2011 do nước này từ chối ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Các nước này cáo buộc Iran muốn sản xuất vũ khí hạt nhân, còn Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho mục đích dân sự.
VIỆT ANH (tổng hợp) |